Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được giao chép sử Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng). Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), tôi thêm một lần may mắn: trở lại chiến trường xưa, gặp lại những người con ưu tú đã góp phần xây nên truyền thống vẻ vang của đơn vị 2 lần nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
1. Năm 2019, chúng tôi có cuộc hành hương về cội nguồn. Trước khi đến nơi, dừng chân tại Hà Nội, các cựu chiến binh của Trung đoàn 174 dẫn chúng tôi thăm 2 nhân vật nổi tiếng. Đó là bác Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng đầu tiên và bác La Văn Cầu, Anh hùng đầu tiên của quân đội ta. Năm ấy, bác Việt đã gần 100 tuổi, nhưng đầu óc vẫn minh tuệ. “Tôi chỉ phục vụ trong quân đội 15 năm, nhưng đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của cuộc đời. Tôi trực tiếp chỉ huy đánh 120 trận, trong đó có 116 trận thắng… Đến nay, tôi vẫn thích người ta gọi mình là người lính già – lính Cụ Hồ. Và, cả biệt danh “Hùm xám đường 4” nữa. Nó khơi gợi lại một thời tuổi trẻ, hào hùng, vừa oanh liệt, vừa lãng mạn…”, bác Việt chia sẻ.
Khi bác Việt làm Trung đoàn trưởng, bác La Văn Cầu làm Tổ trưởng tổ bộc phá. Trận đánh cứ điểm Đông Khê, bác bị thương. Bác đã nhờ đồng đội cắt đứt cánh tay của mình để tiếp tục chiến đấu. La Văn Cầu là một trong những người đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Quân đội. Gặp chúng tôi, bác La Văn Cầu nói: “Tôi được phong Anh hùng thì Thủ trưởng Đặng Văn Việt phải được 2 lần nhận danh hiệu cao quý này”. Trung đoàn 174 không chỉ có những người lính Cụ Hồ huyền thoại ấy mà còn là nơi đào tạo, rèn luyện cho quân đội ta các tướng lĩnh lừng danh như: Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Lương Cường, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Trung tướng Đàm Văn Ngụy, Thiếu tướng Vũ Cam…
2. Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lần đầu tiên tôi được ra thăm mảnh đất thiêng đã thấm biết bao xương máu của cán bộ chiến sĩ ta, trong đó có các liệt sĩ của Trung đoàn 174. Đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, bên cạnh các ngôi mộ có đầy đủ thông tin như Anh hùng Bế Văn Đàn, Anh hùng Phan Đình Giót… còn rất nhiều ngôi mộ vẫn ghi: Liệt sĩ vô danh. Mắt tôi nhòe đi.
Năm 2020, trở lại Tây Nguyên xây dựng bia ghi danh các liệt sĩ của Trung đoàn hy sinh trong trận Đắc Tô – Tân Cảnh. Mắt tôi lại nhòe đi khi đặt chân lên điểm cao 875, nơi 1967 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn đã đánh giáp lá cà đến viên đạn cuối cùng với lính Mỹ thuộc Lữ dù 173 khét tiếng. Không chỉ thân thể các liệt sĩ Trung đoàn 174 đã “biến thành đất đai của Tổ quốc” ở Điện Biên, Đắc Tô, Tân Cảnh… mà còn ở Lộc Ninh, An Lộc, ở Long Khốt, Tân An và dằng dặc trên biên giới Tây Nam và nước láng giềng Campuchia…
3. Chiến tranh lùi xa không chỉ nửa thế kỷ mà còn hơn thế nữa. Món nợ của người đang sống với đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc thật khôn nguôi. Những cựu chiến binh của Trung đoàn 174 luôn tâm niệm, đồng đội cử mình ở lại để làm tiếp công việc mà các liệt sĩ chưa làm xong. Đó là chăm sóc mẹ già, con em của họ. Lại thêm món nợ nữa là đi tìm đồng đội, xác định danh tính hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ chưa đầy đủ thông tin và hỗ trợ tìm kiếm, đưa hài cốt đồng đội về quê.
Ở tuổi thất tuần và hơn thế nữa, nghỉ hưu nhưng các ông vẫn nguyện làm việc nghĩa tình, tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM để đi tìm đồng đội và hỗ trợ gia đình liệt sĩ đang gặp khó khăn. Đội ngũ đó có hàng trăm người, tiêu biểu là các cựu chiến binh: Nguyễn Văn Bạch, Lê Thanh Song, Trình Tự Kha, Nguyễn Đồng Bằng, Vũ Văn Dán, Phùng Ngọc Đồng, Lê Thành Đại… Theo cách của mình, các ông tiếp tục cống hiến để tri ân đồng đội, góp phần làm vơi đi nỗi mất mát, đau thương của các gia đình liệt sĩ, thương binh. Các ông thật xứng đáng là cựu chiến binh của Trung đoàn 174 (đoàn Cao Bắc Lạng) 2 lần anh hùng; xứng đáng với đồng đội đã hy sinh vì đất nước.
TRẦN THẾ TUYỂN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/75-nam-thanh-lap-trung-doan-174-19-8-1949-19-8-2024-dau-an-anh-hung-post754575.html