Trong ngày 14.4, đã diễn ra phiên đối thoại toàn cầu hóa với sự tham gia của các diễn giả là lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đến từ Trung Quốc và các nước trên thế giới và khoảng 300 khách mời.
Tại đây, các diễn giả thông tin về bức tranh kinh tế của Trung Quốc và khu vực châu Á; trao đổi về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, mở rộng thị trường giữa hai bên; thông tin về ngành sản xuất và sự chia sẻ giữa doanh nghiệp của Trung Quốc với doanh nghiệp ở Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghệ ở Việt Nam…
Tiếp đó là phiên đối thoại thảo luận về chủ đề như tích hợp chuỗi cung ứng; lưu thông mậu dịch quốc tế ở châu Á; lộ trình hướng đến năng lượng sạch; đầu tư cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc…
Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi về sự kết nối thị trường và giao thông giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đề xuất phát triển đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng thêm các đường sắt kết nối vào tận các khu công nghiệp để vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn và tiếp tục thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất hàng hóa.
Các đại biểu cũng trao đổi về các chính sách lao động ở Việt Nam và xây dựng lực lượng lao động khi đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam cũng như vấn đề làm sao giữ chân lao động trong bối cảnh hiện nay.
Theo các đại biểu, khi đầu tư tại Việt Nam cần hiểu thêm về khái niệm “trọng tình cảm” của người lao động Việt Nam.
Các doanh nghiệp cho rằng, người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều có tình cảm nhất định với doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Điều này thể hiện trong đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều công nhân lao động chấp nhận nguy hiểm để ở lại doanh nghiệp tham gia sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa.