Ăn nhiều chất béo chuyển hóa, thực phẩm có đường, ít protein có thể làm rối loạn quá trình trao đổi chất, gây viêm, dẫn đến béo phì.
Lạm dụng thực phẩm và đồ uống có đường
Thực phẩm có thể chứa nhiều đường gồm đồ nướng, bánh ngọt, bánh nướng xốp, thực phẩm đóng gói sẵn, nước ngọt… Chế độ ăn nhiều đường có liên quan đến tăng mỡ nội tạng. Ví dụ, uống hai chai soda 480 ml trong một ngày bổ sung tới 384 calo và 104 g đường, gây thừa calo trong một ngày, dễ tích trữ mỡ nội tạng.
Mỗi người vẫn có thể thưởng thức đồ ngọt nhưng nên hạn chế. Uống nước lọc, cà phê và trà không đường, thực phẩm nguyên chất để giữ cân nặng phù hợp.
Rượu
Uống nhiều rượu có thể dẫn đến viêm, bệnh gan, một số loại ung thư, tăng cân quá mức và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị nam giới không uống quá một ly và phụ nữ là hai ly mỗi ngày, tốt nhất không nên uống rượu.
Rượu góp phần làm tăng mỡ bụng do chứa đường, lượng calo cao (7 calo trong mỗi g). Người uống nhiều rượu có khả năng phán đoán kém hơn, tiêu thụ nhiều thực phẩm ít dinh dưỡng. Đồ uống này làm thay đổi hormone liên quan đến cảm giác đói và no, tăng cortisol, thúc đẩy hình thành mỡ bụng.
Người uống rượu ít có xu hướng hoạt động thể chất trong ngày và sau khi quá chén. Lạm dụng thức uống có cồn dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém, liên quan đến chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, khả năng tích trữ chất béo tăng.
Ăn nhiều chất béo chuyển hóa
Đồ ăn có chất béo chuyển hóa có thể gây viêm, dẫn đến béo phì. Nên hạn chế thức ăn nhanh, đồ nướng như bánh nướng xốp, bánh quy giòn. Thay thế chất béo chuyển hóa bằng ngũ cốc nguyên hạt lành mạnh, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa có lợi hơn cho sức khỏe.
Ăn ít protein
Chế độ ăn giàu protein thúc đẩy quá trình giảm cân và ngăn ngừa tăng cân bằng cách tăng cảm giác no. Cơ thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa protein so với các chất dinh dưỡng đa lượng khác. Protein cũng hỗ trợ sửa chữa, tăng trưởng cơ bắp, góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đốt cháy nhiều calo hơn khi nghỉ ngơi. Nguồn protein chất lượng cao trong mỗi bữa như thịt nạc, thịt gia cầm, đậu phụ, trứng, các loại hạt, đậu…
Mãn kinh
Trong giai đoạn mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể giảm đáng kể. Thời kỳ này ảnh hưởng đến phụ nữ có thể khác nhau nhưng thường khiến mỡ tích tụ ở bụng hơn là hông, đùi.
Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột
Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột xảy ra khi lợi khuẩn giảm và vi khuẩn có hại tăng lên, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, tiểu đường type 2, béo phì, tăng cân. Lợi khuẩn và hại khuẩn mất cân bằng có thể gây ra các tín hiệu chéo từ não khi cơ thể cảm thấy đói hoặc no. Phái đẹp thể thèm ăn, ăn liên tục lâu ngày dẫn đến tăng cân quá mức và béo phì.
Chế độ ăn nhiều chất xơ, rau quả và thực phẩm nguyên chất… giúp đường ruột khỏe mạnh. Các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua, pho mát chứa các vi khuẩn có lợi như bifidobacteria, lactobacilli.
Ngủ không đủ giấc
Giấc ngủ ngắn hoặc kém chất lượng thường dẫn đến tăng cân, trong đó có tích tụ mỡ bụng. Nhiều nguyên nhân tiềm ẩn dễ gây thừa cân do thiếu ngủ gồm tăng lượng thức ăn để bù đắp thiếu năng lượng, thay đổi hormone đói, viêm nhiễm và thiếu hoạt động thể chất do mệt mỏi.
Lê Nguyễn (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/7-nguyen-nhan-beo-bung-4743475.html