TPO – Đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 14% kế hoạch, trong đó có 7 đơn vị giải ngân 0%.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn, đầu năm 2024, các đơn vị, địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã tiến hành ký kết giao ước thi đua về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương đã cam kết đến thời điểm kết thúc quý II/2024 sẽ giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, ở thời điểm cuối tháng 5, số lượng đơn vị hoàn thành mục tiêu này rất ít.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5, chỉ có 5 đơn vị là các huyện Nhơn Trạch, Tân Phú; thành phố Long Khánh; Sở Y tế; Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi là có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50%. Đặc biệt, có 7 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là 0%.
Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 19,3 ngàn tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện từ năm 2023 chuyển sang năm 2024). Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2024, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh mới đạt gần 2,7 ngàn tỷ đồng, đạt gần 14% kế hoạch. Một số dự án không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn năm 2023, phải kéo dài sang năm 2024 do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo đại diện một số đơn vị chủ đầu tư, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là công tác giải phóng mặt bằng để thi công các dự án, nhất là các dự án giao thông trọng điểm. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như 2 dự án thành phần thuộc Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 3 TPHCM, đường ven sông và công viên, kè bờ sông Đồng Nai, đường ven sông Cái…không đạt kế hoạch giải ngân vốn, dù các cơ quan chức năng cũng như các địa phương đã vào cuộc triển khai rầm rộ các đợt tăng tốc giải phóng mặt bằng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Hoàng Sơn, thời gian qua địa phương phải ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Do đó, nguồn nhân lực phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công khác bị thiếu hụt.
Vừa qua, kiểm tra công trình thi công dự án cầu Thống Nhất tại phường Thống Nhất (TP Biên Hòa) đang bị chậm tiến độ do vướng công tác giải tỏa, thu hồi đất của một hộ dân, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, với diện tích thu hồi của 1 hộ dân mà các cơ quan đơn vị liên quan xử lý kiến nghị từ Tết đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm là có sự đùn đẩy trách nhiệm. Ông Nam đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai phối hợp với UBND thành phố Biên Hòa và phường Thống Nhất sớm giải quyết dứt điểm trường hợp trên theo đúng quy định nhưng không được để người dân thiệt thòi.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức thừa nhận, tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Quyền chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương phải lập chi tiết kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Khi đã lập kế hoạch thì phải tuân thủ thực hiện kế hoạch của từng tháng, từng quý, tránh tình trạng đầu năm rảnh rang cuối năm phải chạy đua như những năm trước.
HĐND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả hơn, quyết tâm chính trị cao hơn trong chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án kéo dài nhiều năm nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan; chỉ đạo rà soát các trường hợp nhà thầu thi công chậm hoặc hủy hợp đồng phải đấu thầu lại để có hình thức xử lý theo quy định.
Nguồn: https://tienphong.vn/7-don-vi-co-ty-le-giai-ngan-dau-tu-cong-0-dong-nai-chi-dao-khan-post1653112.tpo