Sau đây là một số quy tắc cần tuân theo có thể giúp bạn giữ sức khỏe và an toàn trong phòng tắm, theo tờ Times of India.
Đừng quên rửa tay
Một trong những quy tắc cơ bản nhất là rửa tay đúng cách. Luôn rửa tay kỹ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Khi đi vệ sinh nên dùng giấy vệ sinh để lau và đảm bảo vệ sinh đúng cách. Vứt bỏ giấy đã sử dụng vào thùng có nắp đậy để tránh lây lan vi trùng. Hành động này có thể làm giảm đáng kể việc lây truyền vi khuẩn và virus có hại.
Giữ bề mặt sạch sẽ và khô ráo
Thường xuyên làm sạch các bề mặt phòng tắm, bao gồm mặt bàn, bồn rửa và bồn cầu để loại bỏ vi trùng và ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn có hại. Sử dụng chất khử trùng có thể tiêu diệt mầm bệnh. Giữ bề mặt phòng tắm luôn khô ráo để giảm thiểu nguy cơ trượt, té ngã.
Độ ẩm có thể tạo ra nơi sinh sản cho vi khuẩn và nấm, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Thói quen đi vệ sinh đúng cách
Áp dụng thói quen đi vệ sinh đúng cách có thể ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng. Luôn xả bồn cầu sau khi đã đậy nắp để ngăn các hạt bắn thoát ra trong không khí và rửa tay ngay sau đó. Nên mang dép an toàn trong phòng tắm chung để bảo vệ bàn chân khỏi bị nhiễm nấm…
Nên nhớ là, các không gian công cộng, như phòng tập thể dục hoặc khu vực thay đồ ở bể bơi, đặc biệt dễ bị nấm phát triển.
Duy trì thông gió
Cần phải thông gió đầy đủ trong phòng tắm để giảm độ ẩm và ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc. Đảm bảo phòng tắm có hệ thống thông gió thích hợp, như quạt hút hoặc cửa sổ.
Bảo quản đồ dùng cá nhân đúng cách
Bảo quản các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng và dao cạo râu ở nơi khô ráo và sạch sẽ. Đậy nắp bàn chải đánh răng hoặc cất ở nơi kín để tránh các hạt trong không khí và ô nhiễm rơi vào. Thay bàn chải đánh răng thường xuyên, ít nhất 3 – 4 tháng một lần.
Thường xuyên giặt khăn tắm
Khăn tắm và rèm tắm có thể chứa vi khuẩn và nấm mốc nếu không được vệ sinh thường xuyên. Đảm bảo các vật dụng này được giặt và thay thế thường xuyên để duy trì môi trường vệ sinh.
Bảo trì hệ thống ống nước thường xuyên
Lên lịch bảo trì hệ thống ống nước thường xuyên để giải quyết kịp thời mọi rò rỉ hoặc tắc nghẽn. Nước đọng có thể dẫn đến sự phát triển của nấm mốc và thu hút sâu bệnh, theo Times of India.