Trụ điện mọc trên đất chưa được Nhà nước cho phép
Để bán điện được sản xuất từ tổ hợp 3 nhà máy thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C, Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà (chủ đầu tư) đã xây dựng hàng chục trụ điện cao thế dẫn từ nhà máy đến trạm biến áp 220kV (thị trấn Di Lăng, Sơn Hà).
Theo đó, từ năm 2016, sau khi đạt được thỏa thuận mua bán điện và trên cơ sở quy hoạch đấu nối và thỏa thuận hướng tuyến đường dây được chính quyền địa phương thống nhất, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà (Công ty Đạt Phương) chủ động tìm gặp các hộ dân có đất nằm trong hướng tuyến xây dựng đường dây 110kV để thương lượng, mua đất và xây dựng 64 trụ điện cao thế.
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trụ điện cao hàng chục mét được dựng lên sừng sững vượt qua hàng chục ngọn núi từ xã Sơn Lập (Sơn Tây) đến thị trấn Di Lăng (Sơn Hà).
Hướng tuyến đường dây điện 110kV của Công ty Đạt Phương ngoài vài mố trụ đi qua địa bàn huyện Sơn Tây thì phần lớn số trụ điện còn lại thuộc địa bàn huyện Sơn Hà. Các trụ điện được chôn chủ yếu trên các đỉnh núi và đường dây băng qua các cánh rừng..
Điều lạ thay, qua tìm hiểu hồ sơ về công tác thi công hệ thống trụ điện cao thế kéo đường dây điện 110kV trên với chiều dài tuyến 25km lại không hề được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Một lãnh đạo UBND huyện Sơn Tây xác nhận với Báo Giao thông: Toàn bộ hệ thống trụ điện cao thế kéo đường dây 110kV của Công ty Đạt Phương được chôn kiên cố trên địa bàn các xã Sơn Lập, Sơn Tinh chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Phần đất các trụ điện và đường dây đi qua chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng, giao và cho thuê đất.
“Họ mua đất của người dân rồi chôn trụ điện. Toàn bộ việc này không đúng quy trình, quy định và đến giờ vẫn chưa có cơ quan nào giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cả”, một lãnh đạo huyện Sơn Tây khẳng định và cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hồ sơ công trình để có thông tin cụ thể hơn.
Đường điện tồn tại 7 năm, chủ tịch huyện Sơn Hà nói “chưa nắm rõ”
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà, ông Phan Ngọc Long khẳng định: Đường dây diện đơn vị thi công đã có quyết định cho phép thi công của UBND tỉnh Quảng Ngãi đoạn qua thị trấn Di Lăng và được cấp giấy phép xây dựng. “Về cơ bản pháp lý đầy đủ”, ông Long nói.
Tuy nhiên, phóng viên đặt câu hỏi về phần diện tích đất doanh nghiệp chôn trụ điện đã được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất chưa thì ông Long bảo: “Không tiện trả lời và mong đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Phóng viên Báo Giao thông liên hệ với bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà. Qua tin nhắn điện thoại, bà Trà hồi âm: “Nói thực cái này đã thực hiện trước kia và cũng chưa nắm rõ. Huyện sẽ cho rà soát lại rồi thông tin cụ thể”.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở TN&MT Quảng Ngãi khẳng định: Chủ đầu tư cụm thủy điện Sơn Trà 1A, 1B và 1C thi công hệ thống trụ điện chưa được tỉnh giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất.
“Nhà đầu tư thực hiện nộp hồ sơ xin được giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sở thấy chưa đảm bảo điều kiện theo quy định, nên chưa tham mưu cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được”, lãnh đạo Sở TN&MT Quảng Ngãi cho hay.
Cũng theo người này, hành vi của Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà tự ý xây dựng hàng chục trụ điện là sai, vi phạm trật tự xây dựng.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm của doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của UBND huyện Sơn Tây và Sơn Hà vì hiện trạng đất chưa được cấp có thẩm quyền giao thì vẫn thuộc đất của người dân và Nhà nước quản lý; đất này chính quyền địa phương có trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước.
Năm 2014, Công ty Cổ phần 30/4 Quảng Ngãi xây dựng hai Nhà máy Thủy điện Sơn Trà 1A và 1B, với tổng công suất 60MW (mỗi nhà máy 30MW), cuối năm 2018 phát điện, hòa lưới. Cuối năm 2021, Nhà máy Thủy điện Sơn Trà 1C (công suất 9MW) cũng chính thức được hòa lưới điện quốc gia.
Cụm nhà máy nằm trên sông Đăk Sê Lô, thuộc địa phận hai xã Sơn Lập (Sơn Tây) và Sơn Kỳ (Sơn Hà) với tổng công suất 69MW, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, sản lượng điện bình quân hằng năm gần 253 triệu kWh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/67-tru-dien-cao-the-moc-trai-phep-da-7-nam-nhung-dia-phuong-chua-nam-ro-192241007181733968.htm