31 cảng biển tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế
Thống kê của Cục Hàng hải VN, từ năm 2019 đến nay, hệ thống cảng biển Việt Nam gồm có 34 cảng biển. Trong đó, có 31 cảng biển đã tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế ra, vào các bến cảng.
Ngoài ra, có 3 cảng biển đến nay chưa tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế là cảng biển Thái Bình, Kiên Giang và An Giang.
Trong số 31 cảng biển đã tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, có 13 cảng biển có bến cảng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận chủ trương cho phép tàu có trọng tải lớn vào, rời bến cảng (trong đó các bến cảng tiếp nhận tàu lớn chủ yếu tại khu vực cảng biển Hải Phòng, Vũng Tàu, TP.HCM).
Cụ thể, có 64 bến cảng đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương kiểm định, cải tạo nâng cấp kết cấu cầu cảng để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn.
Tiêu biểu thời gian qua, có một số cảng được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đón tàu có trọng tải vượt thiết kế như Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) được chấp thuận chủ trương đón tàu 214.121 DWT giảm tải; Bến cảng Cái Mép Gemadept Terminal Link được chấp thuận chủ trương cho tiếp tục khai thác thử nghiệm tiếp nhận tàucontainer có trọng tải lên tới 232.606,3 DWT giảm tải; Bến cảng container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) được cho phép đón tàu container có trọng tải 199.273 DWT giảm tải…
Các cảng chỉ được phép tiếp nhận lớn khi đảm bảo các điều kiện phù hợp về luồng hàng hải hiện hữu, điều kiện tự nhiên, điều kiện khai thác và các nội dung khác liên quan để đảm bảo an toàn kết cấu công trình, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Theo dự thảo Đề án “Nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng và kết cấu hạ tầng bến cảng hiện hữu” của Cục Hàng hải VN, các tuyến luồng hàng hải tại Việt Nam cơ bản có chiều rộng, độ sâu tốt để đảm bảo tiếp nhận các cỡ tàu có trọng tải lớn tại từng khu vực.
Đối với các luồng hàng hải có mật độ tàu thuyền lớn, đặc biệt là các khu vực có lượng tàu trọng tải lớn hoạt động thường xuyên được nạo vét, duy tu và cải tạo nâng cấp như tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, Nghi Sơn, Sài Gòn – Vũng Tàu, Cái Mép – Thị Vải…
Bên cạnh đó, hệ thống đê, kè cũng là các công trình chỉnh trị được nhà nước đầu tư xây dựng nhằm mục đích chắn sóng, chắn cát, điều chỉnh dòng chảy, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ luồng hàng hải, có vai trò gián tiếp đối với hoạt động tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Ngày càng nhiều tàu lớn ra, vào cảng biển
Đại diện Hiệp hội Chủ tàu VN đánh giá: Thời gian gần đây, số lượng và tần suất tàu tải trọng lớn ghé cảng biển Việt Nam tăng dần, nhất là tại các khu vực cảng biển nước sâu trọng điểm như Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Số lượng tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế tại các khu vực có bến cảng được Cục Hàng hải VN chấp thuận tiếp nhận tăng trưởng rõ rệt, từ 4.538 lượt vào năm 2019 đã tăng lên 5.474 lượt vào năm 2023 – tăng hơn 20% chỉ trong vòng 5 năm.
Với vị trí địa lý chiến lược trên tuyến đường hàng hải quốc tế kết nối các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Châu Âu, Bắc Mỹ…, hệ thống cảng biển đa dạng dọc theo đường bờ biển dài hơn 3.200km với các cảng biển nước sâu có thể đón được các siêu tàu mẹ container, năng lực đầu tư vào hạ tầng hàng hải và công nghệ ngày càng tiến bộ, Việt Nam có tiềm lực rất lớn để phát triển hệ thống cảng biển, tối ưu hóa khả năng tiếp nhận tàu lớn, hướng đến đảm bảo đủ năng lực đón được những tàu siêu tàu container lớn nhất thế giới, nâng tầm vị thế cảng biển Việt Nam.
Trong khi đó, thống kê của các chuyên trang hàng hải như Alphaliner, Linerlytical… tàu container kích thước lớn (đặc biệt từ tải trọng 18.000-24.000 Teu) đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng công suất đội tàu thế giới qua các năm. Dự báo từ 2025 sẽ xuất hiện những con tàu container siêu lớn có thể lên đến 30.000 Teu.
Đây được coi là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng thương mại toàn cầu, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực quy mô đội tàu cũng như giảm chi phí trên mỗi đơn vị hàng hóa cho các hãng vận tải biển.
Từ đó, có thể thấy xu hướng tăng kích thước tàu đang ngày càng phổ biến đã đặt ra yêu cầu cao và cấp thiết cho cảng biển phải không ngừng nâng cấp, đáp ứng khả năng tiếp nhận.
Do vậy, để nâng cao vị thế, trở thành điểm đến thu hút phục vụ các tuyến vận tải toàn cầu, năng lực hạ tầng cảng biển Việt Nam cần được chú trọng quan tâm nâng cấp phù hợp.
“Việc đảm bảo khả năng tiếp nhận các siêu tàu không chỉ để Việt Nam gia tăng nguồn hàng, tăng cường hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo động lực phát triển các khu công nghiệp ven biển, các kho bãi, trung tâm phân phối logistics… thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của đất nước”, đại diện Hiệp hội chủ tàu VN nhận định.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/64-ben-cang-duoc-chap-thuan-don-tau-co-trong-tai-vuot-thiet-ke-192240925104647936.htm