Ngành du lịch Việt Nam đánh dấu 63 năm xây dựng và phát triển qua các thời kỳ lịch sử, với nhiều thành tựu và đóng góp ngày càng to lớn.
Phố cổ Hội An là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Ảnh: Hà Nguyễn
63 năm hình thành và phát triển
Ngày 9.7.1960, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị định số 26 về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Cột mốc này đánh dấu sự ra đời của ngành du lịch – một ngành kinh tế mới.
Trải qua chiến tranh cho đến khi đất nước giải phóng, đổi mới và phát triển, ngày càng nhiều cơ chế, chính sách từ trung ương đến địa phương được triển khai thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả nước được đầu tư ngày càng mạnh mẽ, năm 1990 mới có 350 cơ sở với 16.700 buồng, đến năm 2019 đã có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng.
Năm 2019, Việt Nam có trên 40.000 doanh nghiệp du lịch, khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 2,5 triệu lao động gián tiếp. Đội ngũ doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngày càng lớn mạnh, năm 2019 cả nước có 2.667 doanh nghiệp, so với 4 doanh nghiệp, năm 2005 có 428 doanh nghiệp.
Năm 1990, Việt Nam đón khoảng 250.000 lượt khách du lịch quốc tế. Con số này tăng trưởng đến 72 lần vào năm 2019, đạt hơn 18 triệu lượt. Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là giai đoạn đỉnh cao từ 2015 – 2019, trung bình đạt 22,7% mỗi năm.
Tương tự, ở thị trường nội địa, lượng khách tăng 85 lần từ một triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Tổ chức Du lịch thế giới xếp ngành du lịch Việt Nam vào hàng tăng trưởng cao nhất trên thế giới.
Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 755 nghìn tỉ đồng; đóng góp 9,2% GDP và còn tạo ra động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Ngành du lịch góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thay đổi diện mạo của nhiều vùng đất, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy giao lưu và hội nhập quốc tế; tăng cường mối quan hệ và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Đối mặt với COVID-19, du lịch là ngành kinh tế bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất. Nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ ngày 15.3.2022. Sự kiện này đánh dấu bước đầu phục hồi của ngành du lịch. Trong năm 2022, thị trường nội địa phục vụ lượng khách tăng vọt đến 101,3 triệu lượt, vượt cả con số kỷ lục năm 2019 – trước đại dịch.
Những năm qua Việt Nam còn giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến Golf tốt nhất thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á… Ảnh: World Travel Awards
Kỳ vọng trong năm 2023
Bước sang năm 2023 không ít thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái, ngành du lịch vẫn từng bước tiếp tục đà phục hồi.
Theo dữ liệu từ công cụ cung cấp dữ liệu về du lịch toàn cầu Destination Insights của Google, trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6. Việt Nam là điểm đến duy nhất ở Đông Nam Á nằm trong nhóm này.
Du lịch tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với việc ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho để phát triển trong năm 2023.
Nổi bật nhất là Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3.2023. Kết quả của hai hội nghị quan trọng này là ngày 18.5.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những giải pháp đột phá cho du lịch phát triển trong thời kỳ mới.
Tại kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XV vào tháng 6 vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua chính sách mới về thị thực và xuất nhập cảnh. Thay đổi này góp phần tạo thuận lợi cho thủ tục nhập cảnh, thu hút khách quốc tế. Đây được đánh giá là động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng thị trường quốc tế đến Việt Nam trước thềm mùa du lịch inbound.
Nửa đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 5,6 triệu lượt, tương đương 69% kế hoạch năm. Khách nội địa đạt 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 343 nghìn tỉ đồng. Với quan tâm sâu sắc của Quốc hội, Chính phủ, cùng thuận lợi từ các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ngành du lịch có thể hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu, phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2023.
laodong.vn