Đây là dự án giao thông lớn được tỉnh Quảng Ngãi chủ trương triển khai trong năm 2024 và đưa vào khai thác trong năm 2025 để đáp ứng nhu cầu lưu thông, đi lại, giải quyết bài toán kẹt xe liên tục trên tuyến vào giờ cao điểm, nhất là vị trí nút giao đường dẫn ra và vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi….
Triển khai nhiều nhiệm vụ cùng lúc
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chỉ đạo Sở GTVT Quảng Ngãi khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ GTVT phê duyệt dự án ngay trong quý I/2024 để làm cơ sở triển khai dự án trên thực địa.
Liên quan đến mặt bằng tuyến, theo tính toán sơ bộ để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng QL24B đoạn Km 23+050 – Km29+800, phải thực hiện công tác bồi thường, GPMB lớn. Trong đó, có liên quan nhiều đến công trình nhà ở, đất ở dọc theo tuyến cần phải bố trí đất tái định cư.
Do đó, để đảm bảo quá trình triển khai dự án trên thực địa suôn sẻ, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở GTVT Quảng Ngãi (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) phối hợp với Sở TN&MT, UBND TP Quảng Ngãi, UBND huyện Sơn Tịnh cùng các cơ quan có liên quan triển khai ngay các nhiệm vụ, thủ tục về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Trong đó, cần lập kế hoạch và trình đăng ký bổ sung danh mục dự án vào Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh để cơ quan có thẩm quyền cho phép nhằm triển khai các bước tiếp theo.
Song song với đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng lưu ý Sở GTVT Quảng Ngãi trong quá trình triển khai thực hiện phải chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết các nội dung phát sinh thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình. Đối với các nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
Riêng với hai địa phương có dự án đi qua là Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi, có trách nhiệm phối hợp trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó, cần tập trung rà soát nhu cầu và quỹ đất của địa phương để dự kiến vị trí xây dựng các khu tái định cư.
Chạy đua hoàn thành năm 2025
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc đầu tư nâng cấp mở rộng QL24B có ý nghĩa quan trọng, từng bước cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng của địa phương cũng như quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được tỉnh này công bố vào hồi đầu năm.
Đặc biệt, việc dự án này hoàn thành đưa vào khai thác ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, giải bài toán kẹt xe cục bộ vào giờ cao điểm từ trung tâm huyện Sơn Tịnh đến TP Quảng Ngãi. Nhất là đoạn tuyến đường dẫn vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Đồng thời, dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực phát triển đô thị Tịnh Hà trở thành đô thị vệ tinh phía tây bắc TP Quảng Ngãi.
Ghi nhận của phóng viên, đoạn tuyến QL24B thuộc đường đô thị với mặt cắt ngang 4 làn xe khá rộng và thông thoáng. Trong khi đó, đoạn QL24B hiện hữu phía tây đường sắt Bắc – Nam có bề rộng chưa đầy 7m dẫn đến nút thắt cổ chai.
Để hạn chế tối đa TNGT, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành vuốt nối điểm tiếp giáp. Tuy vậy, do mặt cắt ngang nền đường quá chênh lệch nên nguy cơ tiềm ẩn TNGT rất lớn. Đi tiếp về phía tây dọc theo tuyến nhà dân mọc san sát, có nhà nằm ngay bên mép đường.
Do làn đường hẹp, trong khi đây là tuyến giao thông chính kết nối trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh mới với đô thị Quảng Ngãi và KCN VSIP nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn, nhiều thời điểm cả tuyến đường kẹt cứng, phương tiện nhích từng bước 1.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL24B được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2023, tại Quyết định số 1645. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn của trung ương.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 6,75km, thiết kế tuyến có quy mô đầu tư với 4 làn xe chạy theo tiêu chuẩn đường cấp III, bề rộng nền đường 17,4m và mặt đường rộng 14m; mặt đường cấp cao A1 bằng bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm, có xem xét sử dụng kết cấu phù hợp qua khu đông dân cư hoặc đoạn ngập lụt, tốc độ thiết kế 80km/h.
Ngoài phần đường, dự án còn xây dựng mới cầu hiện hữu trên tuyến gồm cầu Bà Tá và cầu Bà Mẹo cùng cầu vượt đường sắt tại Km 23+300 giao cắt đường sắt Bắc – Nam. Riêng cầu Kiến hiện hữu có khẩu độ nhỏ thực hiện phá dỡ và thay thế bằng cống hộp bê tông cốt thép; khổ cầu phù hợp khổ đường.