(Dân trí) – Thiết kế nội thất hợp lý, thuận tiện cho việc dọn dẹp đóng vai trò quan trọng khiến căn nhà luôn gọn gàng, sạch sẽ.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao dù đã dọn dẹp rất nhiều lần nhưng căn nhà vẫn luôn trong tình trạng bừa bộn? Thực tế không phải ai cũng biết để một ngôi nhà luôn gọn gàng, việc thiết kế nội thất hợp lý là vô cùng quan trọng. Sau đây là một số nguyên nhân về nội thất khiến nhà bạn dễ bị bừa bộn.
Không gian không đẹp
Nguyên nhân đầu tiên và lớn nhất khiến chúng ta ngại dọn dẹp nhà cửa lại là chính là không gian căn nhà không đẹp, không mang đến cảm hứng. Tâm lý thông thường của con người là khi ghét một thứ gì đó thì sẽ không muốn đụng vào chúng.
Ví dụ một căn bếp ẩm thấp gần như không cho bạn cảm hứng để nấu ăn, hay một phòng làm việc chật chội, thiếu ánh sáng cũng khiến bạn không muốn làm việc hay dọn dẹp.
Ngược lại, một không gian đẹp bạn sẽ muốn dành thời gian chăm chút cho nó. Khi đó bạn sẽ chủ động dọn dẹp để trả lại hiện trạng ban đầu của căn nhà khi có sự thay đổi. Cảm hứng chính là bước đầu tiên cho việc dọn dẹp nhà cửa.
Thiết kế không đủ thuận tiện
Một căn nhà không có khu vực cất đồ lặt vặt sẽ có thể khiến mọi thứ lộn xộn ngay từ khi bước vào. Khu vực này được dành để cất chìa khóa, ba lô, mũ nón, túi xách hay áo mưa. Nếu không có khu vực thả đồ, bạn sẽ tiện tay để những vật dụng này rải rác khắp nơi trong căn nhà.
Điều này khá dễ hiểu bởi sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn sẽ không muốn bắt tay vào dọn dẹp mà chỉ muốn được nghỉ ngơi. Khu vực thả đồ được thiết kế hợp lý sẽ giúp bạn dễ dàng cất gọn gàng đồ đạc mà không quá tốn công sức. Các chuyên gia thiết kế nội thất thường đặt khu vực này phía bên phải cửa ra vào.
Tương tự, phòng tắm nhà bạn sẽ trở nên gọn gàng hơn nếu được bố trí khu vực trữ đồ gần nơi thay quần áo. Nếu bạn để giỏ trữ đồ quá xa, xu hướng chung của mọi người thường sẽ quăng tạm quần áo bẩn lên bồn tắm hoặc một góc nào đó. Điều này dễ dàng khiến nhà tắm trở nên bừa bộn.
Dụng cụ dọn dẹp ở ngoài tầm mắt
Một nguyên nhân khác khiến cho chúng ta lười dọn dẹp đó là các dụng cụ lau dọn như khăn lau, robot hút bụi hay máy hút bụi để ngoài tầm mắt. Việc để những thiết bị này quá xa cũng khiến bạn ngại lấy chúng để dọn dẹp. Ngược lại, khi bạn mở một chiếc tủ có đầy đủ dụng cụ lau dọn, bạn sẽ sẵn sàng để quét dọn cho đến lau nhà.
Chẳng hạn nếu bạn phải vào nhà kho để lấy máy hút bụi rồi vào phòng tắm khác để lấy cây lau nhà thì bạn sẽ có xu hướng trì hoãn việc lau dọn. Trong khi đó, nếu chiếc máy hút bụi được đặt trong tầm tay thì bạn sẽ muốn ngay lập tức dọn sạch khi bị vương vãi thức ăn ra sàn.
Một ví dụ khác về việc không thuận tiện trong thiết kế là sử dụng tủ đựng mỹ phẩm kiêm gương soi trong nhà tắm. Mặc dù thiết kế này tưởng chừng tạo ra sự gọn gàng nhưng bạn phải mất quá nhiều thao tác để đóng mở và soi gương, từ đó tạo ra sự bất tiện.
Bạn sẽ thấy sau một thời gian, những món đồ chăm sóc da sẽ được bày tràn lên trên bồn rửa mặt. Lời khuyên của các chuyên gia thiết kế là sử dụng các tủ mở hoặc kệ cùng phía với tay thuận.
Bố trí không liền mạch
Nguyên nhân thứ ba khiến căn nhà bừa bộn đó là bố trí nội thất không có sự liền mạch về công dụng. Ví dụ kệ sách không được bố trí gần ghế đọc sách thì sau khi đọc xong bạn sẽ tiện tay để chúng trên chiếc ghế hay bàn. Một ví dụ khác là bàn ăn quá xa bếp khiến chúng ta trì hoãn việc dọn dẹp sau khi đã ăn no. Hãy tưởng tượng bạn nấu nướng xong xuôi nhưng phải xuống tầng khác để dọn dẹp thì sẽ rất ngại.
Tương tự, căn bếp gọn gàng thường được bố trí công năng theo chuỗi từ lưu trữ, sơ chế đến nấu nướng. Việc bố trí công năng theo chuỗi liền mạch sẽ giúp bạn dễ dàng làm đến đâu lau dọn đến đấy. Từ đó căn nhà trở nên gọn gàng mà không quá mất nhiều thời gian dọn dẹp.
Đồ nội thất khó thao tác
Nguyên nhân khác khiến mọi người ngại dọn dẹp đến từ việc bố trí nội thất khó thao tác. Một ngăn kéo khó mở khiến bạn chỉ muốn để tạm đồ đạc trên mặt bàn thay vì cất vào tủ.
Hay đối với những gia đình có trẻ em khi tủ đồ chơi được bố trí quá cao sẽ khiến việc cất dọn trở nên khó khăn. Những ngăn tủ cất đồ chơi cần được bố trí trong tầm mắt, nằm ở dưới đất thuận tiện cho lấy ra và cất vào.
Đồ nội thất không phù hợp với thói quen hàng ngày
Để ngôi nhà trở nên thoải mái và tiện nghi, thiết kế nội thất cần phù hợp với thói quen, sở thích, xu hướng các hoạt động thường xuyên hàng ngày của chủ nhà. Ví dụ có người thích thư giãn ngay khi bước vào nhà, trong khi người khác lại ưu tiên dọn dẹp trước. Nếu bố trí nội thất trái ngược với thói quen sẽ khiến họ cảm thấy không thoải mái, thậm chí là khó chịu.
Một chi tiết nhỏ nhưng cũng rất quan trọng là việc sử dụng tay thuận của chủ nhà. Nếu bạn là người thuận tay trái nhưng đồ đạc bố trí chủ yếu cho người thuận tay phải sẽ tạo cảm giác khó khăn khi. Từ đó, bạn sẽ ít sử dụng chúng.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/6-loi-thiet-ke-noi-that-khien-nha-ban-luon-bua-bon-luom-thuom-20241219091525239.htm