Nhiều yếu tố có thể góp phần gây đầy hơi (quá nhiều khí trong ruột). Đây thường là dấu hiệu cho thấy đường tiêu hóa không hoạt động như bình thường. Khí có thể tích tụ do vi khuẩn phát triển quá mức trong ruột, kém hấp thu carbohydrate hoặc rối loạn tiêu hóa chức năng như hội chứng ruột kích thích (IBS)…
Ngoài ra, đầy hơi có thể do tiêu hóa kém , táo bón, tăng cân (mỡ nội tạng dư thừa có thể làm giảm thể tích bụng và gây gián đoạn quá trình tiêu hóa), dao động nội tiết tố… Nếu bạn lo lắng về căn nguyên của chứng đầy hơi mạn tính, tốt nhất nên đi khám.
Có nhiều nguyên nhân gây đầy hơi…
1. Một số gia vị giúp giảm đầy hơi
– Gừng : Gừng có đặc tính chống viêm , chống oxy hóa và chống loét… và là vị thuốc được sử dụng từ lâu đời trong nhân dân. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng gừng có thể cải thiện nhu động dạ dày, giảm co thắt ruột, giảm đầy hơi , chướng bụng. Ngoài ra, gừng còn giúp giảm buồn nôn và nôn.
– Hạt thì là: Hạt thì là có nhiều lợi ích trong hỗ trợ sức khỏe đường ruột và cải thiện tình trạng đầy hơi. Hạt thì là chứa chất chống co thắt và anethole, hỗ trợ các cơn co thắt cơ ruột khỏe mạnh. Hạt thì là có vị hơi ngọt nên thường được dùng làm gia vị. Nhiều người ngâm hạt thì là trong nước nóng uống để hỗ trợ tiêu hóa sau bữa ăn.
– Tiêu đen: Hạt tiêu đen là một trong những loại gia vị có sẵn trong nhà bếp, được dùng trong chế biến nhiều món ăn. Nhưng không chỉ vậy piperine, một hợp chất trong tiêu đen đã được chứng minh là cải thiện tiêu hóa và tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng.
Các hợp chất trong hạt tiêu đen giúp tăng cường lưu lượng máu đến đường tiêu hóa và giúp kích thích giải phóng các enzyme tiêu hóa cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Tiêu hóa tốt hơn sẽ ít bị đầy hơi hơn.
– Quế: Quế là một trong những loại gia vị được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng quế có thể khắc phục nhiều tình trạng và triệu chứng, bao gồm nôn, đầy hơi, ho, cảm lạnh, chán ăn và mệt mỏi. Quế có thể giúp thúc đẩy lưu lượng máu, hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh và giảm đầy hơi.
– Hạt rau mùi: Hạt rau mùi là một loại gia vị thơm, tạo thêm hương vị đậm đà cho các món ăn khác nhau. Tuy nhiên, chúng cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe bao gồm cả việc hỗ trợ tiêu hóa. Khi thêm vào món ăn, rau mùi có thể giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa.
Rau mùi cũng có đặc tính kháng khuẩn, có thể giúp hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh; góp phần vào các hoạt động chống oxy hóa, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do và giảm viêm.
– Thảo quả xanh: Thảo quả xanh (bạch đậu khấu) là một loại gia vị thường được sử dụng trong các món ăn như cà ri; có thể được tìm thấy ở dạng nguyên quả, bóc vỏ hoặc nghiền thành bột mịn.
Bạch đậu khấu có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống viêm và lợi tiểu. Nó đã được sử dụng để điều trị các tình trạng sức khỏe khác nhau như khó tiêu, chống đầy hơi sau bữa ăn và vì là thuốc lợi tiểu, nên nó có thể giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa (có thể gây ra cảm giác đầy hơi), giúp giảm đầy hơi.
Gừng có thể giúp giảm đầy hơi.
2. Cách sử dụng gia vị trị đầy hơi
Có một số cách để kết hợp gia vị vào thói quen hàng ngày, nhưng phương pháp tốt nhất phụ thuộc vào loại gia vị được sử dụng. Để sử dụng gia vị trị đầy hơi, hãy cân nhắc:
- Ngâm chúng để uống dưới dạng trà nóng
- Thêm gia vị vào sinh tố
- Nấu cà ri
- Thêm gia vị vào món salad
- Thêm vào nước sốt salad…
3. Các loại gia vị có thể gây đầy hơi
– Tỏi: Một số người có thể không dung nạp được loại gia vị này. Tỏi chứa fructans, chất xơ hòa tan khó tiêu hóa và có thể gây ra hoặc góp phần gây đầy hơi. Những người bị dị ứng với tỏi có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
– Hành tây: Giống như tỏi, hành tây có chứa fructan có thể gây đầy hơi. Khi fructans lên men, chúng hút nhiều nước hơn vào ruột, gây ra tình trạng khó tiêu đáng kể dưới dạng đầy hơi và tiêu chảy.
– Ớt: Capsaicin là thành phần chính trong ớt, có liên quan đến các triệu chứng tiêu hóa. Mặc dù gia vị có thể làm tăng cảm giác no trong bữa ăn nhưng nó cũng có thể gây đau, cảm giác nóng rát, buồn nôn và đầy hơi.
Do đó, khi bị đầy hơi nên tránh các gia vị này.
4. Những cách khác để giảm đầy hơi
Ngoài việc thay đổi chế độ ăn uống, bạn có thể thực hành những thói quen khác để giúp ngăn ngừa đầy hơi. Để giúp khí di chuyển qua hệ thống tiêu hóa, hãy cân nhắc việc kết hợp những hành vi này vào lối sống của bạn:
- Ăn chậm trong bữa ăn và nhai kỹ thức ăn.
- Cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên.
- Ngồi thẳng trong khi ăn và ít nhất 30 phút sau bữa ăn.
- Uống đồ uống ở nhiệt độ phòng.
- Đi dạo sau bữa ăn.
Thỉnh thoảng có quá nhiều khí (đầy hơi) là bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn hoặc thử các phương pháp điều trị không kê đơn (OTC) và thực hiện thay đổi chế độ ăn uống mà không có kết quả, hãy đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị thích hợp.