DN sẽ chết nếu phải thêm I-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm
Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định 09) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, vẫn giữ nguyên quy định: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.
Tại hội thảo, nhiều hiệp hội cho biết, quy định này không phù hợp với thực tiễn cũng như kinh nghiệm quốc tế, gây khó khăn lớn cho sản xuất kinh doanh. Quy định này mới tính đến lợi ích bổ sung vi chất cho nhóm người thiếu hụt, mà không tính đến nguy cơ cho sức khỏe của nhóm người đã đủ hoặc thừa vi chất khi bắt buộc bổ sung đại trà.
Lý giải, chuyên gia Vũ Thế Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học thuộc Sở An toàn Thực phẩm TPHCM cho biết, I-ốt là thành phần tạo ra hormon của tuyến giáp, giúp cho sự phát triển của trí não của trẻ. Nếu trẻ thiếu I-ốt, có thể dẫn đến đần độn, thiểu năng, chậm phát triển tâm thần, khả năng nghe nói, suy nghĩ đều lệch lạc. Các bà bầu thiếu I-ốt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển não của thai nhi. Người lớn bị rối loạn do thiếu I-ốt, nhất là phụ nữ, thì từ tinh thần đến thể xác đều mệt mỏi, làm việc uể oải…
Tuy nhiên, phải thấy rằng I-ốt có nhiều ở vùng biển, có trong không khí ở vùng duyên hải, có nhiều trong hải sản như tôm, cua, cá, mực, bạch tuộc và các loại rong biển, muối biển… Cơ thể không tạo ra I-ốt được, nên phải lấy từ nguồn thực phẩm. Nhưng tùy vào thể chất của mỗi người mà tỷ lệ bổ sung và cách thức bổ sung cũng sẽ khác nhau.
Cũng theo ông Thành, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, Chính phủ Hoa Kỳ, Canada, Australia… thường sử dụng giải pháp khuyến khích người dân sử dụng muối I-ốt; thị trường tiêu dùng nội địa của họ cho phép bán đủ loại muối như muối I-ốt, muối tinh, muối biển (không có chất chống vón và I-ốt để làm dưa muối). Ngược lại, Nhật Bản không cho sử dụng muối I-ốt.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM cũng khẳng định: “Nếu theo dự thảo thì mặc nhiên Bộ Y tế đã và đang tước đi quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Điều này đặc biệt nguy hại đến sức khỏe những người bị thừa I-ốt, mắc các bệnh cường giáp… Còn về khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, quy định này làm tăng giá thành sản xuất, làm sẫm màu thực phẩm, gây suy giảm năng lực cạnh tranh của DN”.
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết thêm, nếu quy định này được thông qua, chi phí sản xuất của công ty sẽ phải tăng thêm 5%/tổng sản phẩm. Đáng quan ngại hơn, làm mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm DN do làm thay đổi mùi vị của sản phẩm, nhất là sản phẩm sử dụng màu hữu cơ. Khảo sát thực tế từ công ty cho thấy, người dân Việt Nam vẫn sử dụng muối để nêm vào thức ăn thay vì sử dụng sản phẩm thay thế khác. Do đó, việc bổ sung I-ốt như quy định trên là không phù hợp.
“Với quy định này, thực phẩm của Việt Nam không thể vươn ra được thị trường thế giới. Riêng với DN thành viên Hội Nước mắm Phú Quốc không thể xuất khẩu hàng vào thị trường châu Âu vì không phù hợp với quy trình sản xuất thực tế đã được châu Âu bảo hộ. Trong đó, chỉ cho phép có “cá và muối hạt”, không dùng bất cứ chất nào khác”, ông Đặng Thành Tài, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc nhấn mạnh.
DN giảm sâu năng lực cạnh tranh vì phải phân thân?
Nhiều DN chung ý kiến, nếu Nghị định 09 được áp dụng thì DN sẽ nếm đủ “đắng cay”. Theo đó, dù DN có hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hiện đại, nhưng để đảm bảo tránh nhiễm chéo I-ốt, buộc phải đầu tư 2 dây chuyền sản xuất. Do DN không thể sử dụng hệ thống bồn chứa và tự động cấp nguyên liệu chung cho cả sản phẩm sử dụng nguyên liệu có bổ sung vi chất và không bổ sung vi chất. Thay vào đó, DN buộc phải bảo quản nguyên liệu không bổ sung vi chất trong các bồn chứa riêng và trực tiếp cấp nguyên liệu một cách thủ công. Điều này khiến thời gian tác nghiệp tăng lên, năng suất sản xuất giảm.
“Công ty hiện đang xuất khẩu hơn 120 thị trường trên thế giới. Để đảm bảo tuân thủ quy định bổ sung I-ốt, sắt, kẽm, công ty phải dừng từ 15 – 20 giờ để súc rửa dây chuyền sản xuất trước khi cho sản xuất sản phẩm thị trường nội địa, gây tiêu tốn chi phí, dẫn đến giá bán không thể cạnh tranh cả thị trường trong nước và xuất khẩu, giảm doanh thu”, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) lo ngại.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đặt vấn đề: “Bộ Y tế đã căn cứ vào cơ sở nào để công bố danh sách 120 quốc gia, vùng lãnh thổ buộc phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm? Bên cạnh đó, việc kiên trì giữ quy định này 8 năm, bất chấp nhiều văn bản kiến nghị, góp ý của DN là vì lý do gì? Phải chăng Bộ Y tế đã và đang kiên trì đẩy người tiêu dùng vào việc có nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc bệnh tăng nặng hơn nếu đang bị bệnh này. Hay là bộ đang “ép” người tiêu dùng phải chuyển sang sử dụng hàng ngoại nhập do nhóm hàng này không có quy định bổ sung vi chất dinh dưỡng là I-ốt?”.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam bức xúc cho rằng, ngày 15-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19) chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt”; bãi bỏ quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có 2 văn bản chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09 theo chỉ đạo trong Nghị quyết 19. Gần đây nhất là tại hội thảo cách đây 3 tháng, dưới sự góp ý của DN, bộ cũng ghi nhận nhưng dự thảo sửa đổi Nghị định 09 hiện vẫn giữ nguyên các quy định bất cập này. Không chỉ vậy, các DN chỉ mới nhận được nội dung dự thảo khoảng hơn 2 ngày trong khi Bộ Y tế yêu cầu gởi ý kiến về trước ngày 10-7.
Có thể nói, việc bổ sung I-ốt, sắt và kẽm vào thực phẩm là điều cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Vấn đề là chọn giải pháp nào hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của DN và quyền lựa chọn của người dùng.
“Về phía DN, nên áp dụng giải pháp khuyến khích tạo ra chủng loại sản phẩm có bổ sung vi chất cần cho những thị trường có nhu cầu. Bộ Y tế nên xây dựng hướng đến việc bổ sung bắt buộc I-ốt cho muối ăn trực tiếp, các gia vị dạng rắn như bột nêm, bột canh…”, ông Đặng Thành Tài, Phó Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc góp ý.
ÁI VÂN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/6-hiep-hoi-doanh-nghiep-kien-nghi-bai-bo-quy-dinh-bo-sung-vi-chat-vao-thuc-pham-post749431.html