Có 58% cơ sở giáo dục ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, với tối thiểu 2 tín chỉ/môn học. Trong đó, một số trường CĐ sư phạm cũng đã đưa khởi nghiệp thành môn học tự chọn dành cho sinh viên.
Môn học về khởi nghiệp tối thiểu 2 tín chỉ
Sáng nay (20.12), Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ GD-ĐT) tổ chức hội thảo khoa học “Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: thực trạng và giải pháp chính sách”.
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhìn nhận hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có nhiều bước tiến quan trọng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam luôn được xếp ở thứ hạng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từ năm 2003 phong trào khởi nghiệp trong các trường ĐH lần đầu tiên được phát động mới chỉ thu hút được rất ít số lượng các trường và sinh viên tham gia. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đã được chuyển sang một giai đoạn mới, hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết hiện tại 100% cơ sở giáo dục ĐH ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học. Gần 30% cơ sở giáo dục ĐH hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị… Đáng chú ý, có 58% cơ sở giáo dục ĐH đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn, với tối thiểu 2 tín chỉ/môn học. Trong đó, một số trường CĐ sư phạm cũng đã đưa khởi nghiệp thành môn học tự chọn dành cho sinh viên.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở đào tạo hiện nay mới đang ở giai đoạn đầu, các hoạt động chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, truyền cảm hứng. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa được triển khai một cách đồng bộ, các cơ chế chính sách vẫn đang có độ trễ, chưa đi vào chiều sâu, cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp còn rất hạn chế.
“Nguyên nhân có thể thấy hiện nay các ĐH chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, các trường mới đa phần tập trung vào việc giảng dạy, nghiên cứu mà chưa quan tâm đến mảng thương mại hóa, vốn hóa các sản phẩm dựa trên nền tảng trí tuệ của nhà trường bao gồm các sản phẩm nghiên cứu khoa học và đặc biệt là việc vốn hóa con người. Bên cạnh đó, nguồn thu đào tạo vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ ra.
“Cơ sở giáo dục ĐH không chỉ là truyền đạt kiến thức”
Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nêu một số quan điểm về việc thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên trong thời gian tới.
Thứ trưởng cho rằng: “Cơ sở giáo dục ĐH không chỉ là truyền đạt kiến thức, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mà đó phải là nơi khơi dậy được tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học”.
Với sinh viên, muốn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phải có tinh thần học tập suốt đời, hình thành được kỹ năng và thói quen tốt. Từ đó, sinh viên có được nền tảng tri thức cho chính mình, cũng chính là “tài sản” lớn nhất trong 4 năm ĐH của mình.
Trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi còn đánh giá cao vai trò của người thầy. Thứ trưởng nói: “Người thầy chính là người truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng, dẫn đường cho học trò, giúp các em không bị ‘lạc lối'”.
Nhấn mạnh tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhắn nhủ: “Khởi nghiệp trong sinh viên 90% là thất bại, chỉ có 10% là thành công. Tôi nghĩ 10% đó đã là một thành công lớn rồi. Phải xem những thất bại là những bài học quý giá để sau đó chúng ta tạo ra những dự án, kết quả có giá trị và bền vững hơn”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/58-truong-dh-dua-noi-dung-khoi-nghiep-thanh-mon-hoc-bat-buoc-hoac-tu-chon-1852412201655322.htm