Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến 19 giờ 30 tối 1.6, số hồ sơ gửi về Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) để đàm phán bán điện tăng lên đến 63/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Tổng công suất của 63 dự án này là 3589,811 MW.
Đáng chú ý, đã có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức phát điện thương mại lên lưới.
Đến nay, đã có 51/85 dự án (tổng công suất 2.871,611 MW) đề xuất giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá phát điện theo Quyết định 21 của Bộ Công thương, tức khoảng 754 – 908 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng) và tùy loại nguồn điện mặt trời hay điện gió.
EVN cho biết, Công ty Mua bán điện và các chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá, ký tắt hợp đồng PPA với 48/51 dự án (trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án).
19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Chiều 1.6, giải trình tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên lý giải một số dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN. Lý do được đưa ra là các chủ dự án không muốn đàm phán với EVN trong khung giá Bộ Công thương ban hành với lý do “giá thấp”, hai là các chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc khó khăn về truyền tải điện. Bộ trưởng cũng thông tin, khung giá phát điện theo Quyết định 21 của Bộ đã ban hành tháng 1.2023 giảm khoảng 7,3 % so với giá ưu đãi FIT 2 được ban hành năm 2020; giá FIT 2 lại giảm 8% so với giá FIT ban hành năm 2017. “Cơ chế giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế xã hội trong nước”, ông Diên nhận định.
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 2.6: Mặt bằng vàng TP.HCM ế ẩm | Giải pháp khôi phục kinh tế Việt Nam