Mông Cổ là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ khá sớm. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đã không ngừng phát triển.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh gặp gỡ báo chí ở Hà Nội chiều 1/11/2023. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trong cuộc hội đàm mới đây ở Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh nhất trí cùng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước.
Nền tảng cho quan hệ hữu nghị truyền thống
Chỉ chưa đầy 1 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Mông Cổ, mở đầu cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Sau đó, trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam và Mông Cổ đã phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng. Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân Mông Cổ đã tích cực ủng hộ và viện trợ nhiều nhu yếu phẩm cho nhân dân Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam cũng có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ Mông Cổ như cử chuyên gia giúp khảo sát và phát triển giao thông, trồng trọt, phục chế các di tích lịch sử…
Kể từ đó tới nay, mối quan hệ ấy ngày càng được củng cố, phát triển thông qua các chuyến thăm và làm việc thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước. Những chuyến thăm này đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mông Cổ. Mới đây nhất, vào đầu tháng 11/2023, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam và cũng là chuyến thăm chính thức nước Đông Nam Á đầu tiên của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh kể từ khi nhậm chức.
Trong cuộc hội đàm ở Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh bày tỏ hài lòng về quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp và đạt một số thành tựu mới trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế; nhất trí cùng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi nước. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, các cấp thông qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội bằng nhiều hình thức linh hoạt; phối hợp triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2024; thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác song phương, qua đó góp phần củng cố lòng tin chính trị giữa hai nước.
Không ngừng mở rộng và phát triển
Không chỉ trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, trong những năm gần đây, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mông Cổ đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng trưởng khá nhanh và đạt 85 triệu USD vào năm 2022. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mông Cổ các loại hàng nông sản, thực phẩm, dược phẩm, thuốc lá, cà phê… và nhập khẩu từ Mông Cổ chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da, găng tay da…
Về đầu tư, tính đến tháng 9/2023, Mông Cổ có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 1,11 triệu USD. Các dự án này không thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam chưa có dự án đầu tư chính thức sang Mông Cổ (ngoài các dự án đầu tư trực tiếp của người Việt Nam tại Mông Cổ).
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh vào tháng 11/2023, hai bên đã nhất trí tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại tại mỗi nước; ủng hộ hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản chiến lược hai nước; tận dụng cơ hội, thế mạnh hai bên để thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ký năm 2022; hoan nghênh hai bên đã thống nhất Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu thịt dê, cừu từ Mông Cổ và Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm từ Việt Nam vào Mông Cổ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trao đổi nông sản hai nước; tăng cường trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sản xuất thực phẩm nông nghiệp cho phía Mông Cổ.
Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội chiều 1/11/2023. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Mặt khác, lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao các tổ chức liên quan hai bên mở rộng quan hệ hàng không, nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí cần tiếp tục trao đổi tìm giải pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn trong logistics, vận tải đường sắt, đường biển và hàng không giữa hai nước.
Về hợp tác lao động, tính tới tháng 8/2023, có khoảng 400 lao động Việt Nam sinh sống tại Mông Cổ, chủ yếu làm việc trong các xưởng sửa chữa ô tô. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về lao động năm 2017. Trong cuộc hội đàm tại Hà Nội vào đầu tháng 11/2023, các lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam với Bộ Lao động và Bảo trợ xã hội Mông Cổ (2017) về hợp tác trong lĩnh vực chính sách việc làm, an sinh xã hội, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, phát triển dân số, chính sách và dịch vụ xã hội cho người khuyết tật, bình đẳng giới và phúc lợi xã hội; nhất trí tiếp tục nghiên cứu khả năng cung ứng và tiếp nhận lao động theo các ngành nghề, lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu.
Về giáo dục và đào tạo, hai nước đã tiến hành trao đổi sinh viên từ những năm 1960. Theo Hiệp định về Hợp tác giáo dục giai đoạn năm 2011-2016, hàng năm, Việt Nam tiếp nhận đào tạo 15 sinh viên Mông Cổ và Mông Cổ đào tạo 5 sinh viên Việt Nam. Từ năm 2018, hai bên thỏa thuận tăng 5 chỉ tiêu và tăng mức học bổng so với hiệp định trên. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh vào tháng 11/2023, hai bên đã nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định về hợp tác giáo dục ký năm 2012. Phía Việt Nam nhất trí xem xét tích cực việc tăng thêm số lượng học bổng Chính phủ cho phía Mông Cổ trên cơ sở Sáng kiến Chương trình học bổng của Tổng thống Mông Cổ mang tên “Thông điệp 2100”./.
Thu Vân