Mặc dù quan hệ Việt Nam-Canada đã phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng theo các chuyên gia, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển mối quan hệ này, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Đại sứ Phạm Vinh Quang trình Quốc thư lên Toàn quyền Mary Jeannie May Simon. Ảnh: Trung Dũng – TTXVN
Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang nhấn mạnh: “50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Canada đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng tiềm năng của hai bên vẫn còn rất nhiều”.
Cụ thể, về chính trị-ngoại giao, theo Đại sứ Phạm Vinh Quang, hai nước chia sẻ nhiều quan điểm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế. Cả Việt Nam và Canada đều mong muốn xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển dựa trên việc tuân thủ nguyên tắc của luật pháp quốc tế như Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hai bên cũng muốn xây dựng trật tự, luật lệ và các quy định trên các vùng biển, trong đó có Biển Đông.
“Gần đây, Canada quan tâm hơn đến hợp tác khu vực, với việc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 11 năm ngoái, và tháng 9 tới, Canada sẽ nâng cấp quan hệ với ASEAN lên tầm đối tác chiến lược. Đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam và Canada cùng thúc đẩy vì chúng ta luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa ASEAN và Canada để thông qua đó có thể thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp hơn”, Đại sứ Phạm Vinh Quang nhấn mạnh.
Về kinh tế, Canada là thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), là nền kinh tế lớn thứ 14 trên thế giới, trong khi Việt Nam là nền kinh tế năng động ở khu vực ASEAN, với tốc độ tăng trưởng cao và một thị trường lớn (khoảng 100 triệu dân), cùng với lực lượng lao động dồi dào và có tay nghề cao.
Trên cơ sở đó, Đại sứ Phạm Vinh Quang đề xuất Việt Nam có thể tranh thủ thế mạnh của Canada về công nghệ, khoa học tiên tiến để hỗ trợ sự phát triển trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trong phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xanh, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về phần mình, ông Ghislain Robichaud, Vụ trưởng khu vực Quebec và Nunavut thuộc Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada, nhấn mạnh tới triển vọng hợp tác thương mại giữa hai nước. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước do Hội đồng Kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) tổ chức ở Montreal hồi cuối tháng 11, ông Robichaud khẳng định Việt Nam là trọng tâm của những ưu tiên trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Canada đang triển khai. Tương lai mối quan hệ giữa hai bên sẽ còn nhiều hứa hẹn, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại nhờ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trên thực tế, sau 5 năm thực thi CPTPP, hợp tác thương mại giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,74 tỷ USD, tăng 22,53%. Trong giai đoạn 2020-2022, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn không ngừng tăng, đạt 5,08 tỷ USD vào năm 2020, tăng 7,27% so với năm trước đó; 6,02 tỷ USD năm 2021 và 7,03 tỷ USD năm 2022. Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Canada và là điểm đến hàng đầu đối với hàng hóa Canada trong khu vực ASEAN.
Một tiết mục nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam Canada. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Vì thế, các chuyên gia cho rằng nếu tiếp tục khai thác tốt CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Canada hoàn toàn có thể duy trì đà tăng trưởng cao trong nhiều năm tới.
Phát biểu tại hội thảo do Thương vụ Việt Nam tại Canada và Bộ Thương mại, Việc làm và Phát triển kinh tế tỉnh Ontario phối hợp tổ chức hồi cuối tháng 10, Đại sứ Phạm Vinh Quang nói bằng cách tận dụng các FTA, đặc biệt là CPTPP và FTA ASEAN-Canada đang được đàm phán, hai bên có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của khu vực sôi động này và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng và thịnh vượng chung.
Cùng chung quan điểm đó, Chủ tịch Hội doanh nhân Canada gốc Hoa Yvonne Chan nhận định có rất nhiều cơ hội để Canada và Việt Nam hợp tác cùng nhau, đặc biệt là việc tận dụng Việt Nam như cửa ngõ để vào ASEAN.
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, song mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Canada đã không ngừng phát triển vững chắc, ngày càng thực chất và hiệu quả. Tiềm năng và dư địa để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước còn rất lớn. Với bề dày lịch sử của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, với tình cảm nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước dành cho nhau, chắc chắn, quan hệ hai nước sẽ tiến xa hơn nữa trong tương lai./.
Khánh Dương
Đọc thêm: 50 năm quan hệ Việt Nam-Canada (Bài 1): Những thành tựu quan trọng