Nếu có lần nào đi ngang qua đường Trần Hưng Đạo đoạn giao với Ngô Quyền (quận 5, TP HCM), bạn có để ý thấy trên cái lề đường nhỏ xíu ấy có 2 chiếc xe inox của ông bà cụ đặt cách xa nhau tầm 3-4 căn nhà, bên trên bày đậu phộng được gói trong bao giấy hoặc giấy báo?
Trên xe có những dòng chữ Hoa và Việt được viết bằng sơn đỏ. Nhiều chục năm trước, những chiếc xe này chuyên cung cấp quà vặt cho khán giả vào rạp xem phim. Ngoài cóc, ổi, mía ghim, đậu phộng là món ưa chuộng nhất, được chế biến 3 kiểu: đậu phộng da cá, đậu phộng sấy và đậu phộng rang chao.
Đậu phộng sấy nhìn bề ngoài chẳng khác đậu luộc là bao. Tuy nhiên, trong khi đậu luộc thì mềm còn đậu sấy bên trong khô ráo, hạt cứng và dẻo hơn. Cụ ông bán đậu nói với tôi rằng đậu đem luộc đến gần chín thì vớt ra, phơi mấy nắng cho phần nước bốc hơi hết, hạt đậu bên trong săn lại nên tạo độ dẻo như vậy. Mùi vị đậu phộng sấy cũng đặc biệt hơn hẳn, ai ăn không quen sẽ chê đậu cứng nhưng nếu biết nhấm nháp từ từ thì sẽ dần cảm nhận được vị béo, bùi, dẻo và ghiền hồi nào không hay.
Nghe người già kể vào thời nhà Thanh ở Trung Quốc, một đầu bếp mù đã sáng tạo ra món đậu phộng chao bằng cách ngâm đậu phộng qua đêm với chao đỏ, sau đó phơi khô và rang trên chảo cát vàng hạt to. Khi du nhập Việt Nam và theo thời gian, hương vị cũng có phần biến đổi. Để phù hợp với khẩu vị thời nay, đậu chỉ được rang với một ít chao đỏ mà thôi, ăn qua nghe mùi thoang thoảng rất dễ chịu.
Những xe đậu này tồn tại đến nay ít nhất đã 50 năm. Cụ ông và cụ bà – chủ nhân của 2 chiếc xe – cho biết hồi đó, trước khi bước vào rạp xem phim, ai cũng ghé qua mua vài gói đậu phộng để nhấm nháp.
Thời nay, món ngon vật lạ nhiều vô kể nên món đậu phộng có vẻ như lạc lõng giữa phố phường. Hầu hết khách hàng của món đậu phộng là những người tóc đã điểm muối tiêu, rất hiếm thấy người trẻ, nếu có chỉ là mua giúp ông bà ở nhà, chiều chiều buồn miệng chợt nhớ hương vị xưa.
Chắc tầm vài năm nữa thôi, đậu phộng sấy, đậu phộng chao sẽ chỉ còn là ký ức…
Nguồn: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/50-nam-dau-phong-chao-201907112154598.htm