Theo đông y, để hạn chế tác động của thời tiết nắng nóng đối với cơ thể cần thanh thử nhiệt (chống nắng nóng) và bồi bổ cơ thể (dưỡng âm, tăng thể dịch).
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc dưỡng âm thanh nhiệt
1. Canh trứng gà lá tre
– Thành phần và cách dùng: Lá tre hoặc lá trúc 10g, trứng gà 1 quả. Trước hết nấu lá tre với 3 bát nước, đun còn nửa bát, vớt lá tre ra; đập trứng gà vào một cái bát riêng, bỏ lòng đỏ ra, chỉ dùng lòng trắng; đổ lòng trắng vào nồi nước sắc, đun nhỏ lửa cho đến khi lòng trắng trứng đặc lại là được; chia ra 2 lần ăn trong ngày, ăn liên tục trong nhiều ngày.
Lá tre có tác dụng thanh thử nhiệt (chống nắng nóng). |
– Phương giải bài thuốc: Lá tre có tác dụng thanh thử nhiệt (chống nắng nóng). Lòng trắng trứng gà có tác dụng tư âm thanh nhiệt. Hai thứ kết hợp, tạo nên tác dụng thanh thử nhiệt, dưỡng âm, sinh tân, chỉ khát, đồng thời còn bổ sung protein cho cơ thể.
2. Nước rau muống mã thầy
– Thành phần và cách dùng: Rau muống 250g, mã thầy 10 củ. Rau muống rửa sạch, thái ngắn; mã thầy gọt bỏ vỏ, thái lát; sắc lấy nước, chia ra 2 lần uống trong ngày.
– Phương giải bài thuốc: Rau muống và mã thầy đều có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng dưỡng âm, sinh tân dịch và thanh thử nhiệt.
3. Canh mướp đắng nhồi thịt
– Thành phần và cách dùng: Mướp đắng 250g, thịt lợn nạc 150g, nước dùng, gia vị vừa đủ. Nấu đến khi thịt chín là được.
– Phương giải bài thuốc: Mướp đắng vị đắng, tính hàn có tác dụng trừ nhiệt, tiêu khát, kiện tỳ, mát huyết. Thịt lợn nạc tính bình, vị ngọt; có tác dụng tư âm, nhuận táo, sinh tân. Hai thứ kết hợp tạo nên tác dụng thanh nhiệt, kiện tỳ, tiêu thực, bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
4. Cháo đậu xanh hạt sen
– Thành phần và cách dùng: Đậu xanh 30g, hạt sen (bỏ tâm) 50g, gạo nếp 50-100g, đường trắng lượng thích hợp. Trước tiên nấu chín đậu xanh, sau đó cho hạt sen và gạo nếp vào nấu tiếp đến khi gạo chín nhừ, thêm đường trắng cho đủ ngọt là được; chia ra 3 lần ăn trong ngày.
Đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy. |
– Phương giải bài thuốc: Đậu xanh và hạt sen đều vị ngọt, tính bình có công dụng thanh nhiệt, bổ âm, giảm nóng, lợi thủy.
5. Trà kén tằm táo tầu
– Thành phần và cách dùng: Kén tằm 20 cái, táo tầu 20 quả; sắc nước uống thay trà trong ngày.
– Phương giải bài thuốc: Kén tằm tính ôn, vị cam, từ xưa vẫn được dùng chữa chứng thận hư, uống nhiều tiểu nhiều. Táo tầu có tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ dưỡng can tỳ, tăng cường tiêu hóa. Hai thứ kết hợp tạo nên tác dụng thanh thử nhiệt, chống khát, điều hòa tạng phủ./.
Theo suckhoedoisong.vn