Suy thận được chia thành 5 loại, gồm hai loại cấp tính và ba loại mạn tính, xảy ra do các nguyên nhân khác nhau.
Suy thận là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính, xảy ra khi thận mất chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Ở giai đoạn này, người bệnh khó duy trì được sự sống nếu không được chạy thận hoặc ghép thận.
Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, dựa vào cơ chế bệnh sinh, suy thận được chia thành 5 loại.
Suy thận cấp tính trước thận: Xuất hiện khi lưu lượng máu đến thận không đủ, ảnh hưởng đến khả năng đào thải chất độc. Nguyên nhân của tình trạng này là do chấn thương, phẫu thuật hoặc các bệnh khác. Triệu chứng thường gặp gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, co giật, hôn mê… Suy thận cấp tính trước thận có thể được chữa khỏi nếu bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân gây giảm lưu lượng máu đến thận.
Suy thận cấp tính tại thận: Có thể do chấn thương trực tiếp đến thận như va đập mạnh, tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng xảy ra khi thận phải lọc quá nhiều độc tố, thiếu máu cục bộ hay thiếu oxy đến thận. Trong đó, nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ bao gồm chảy máu nghiêm trọng, tắc nghẽn mạch máu thận, viêm cầu thận…
Suy thận mạn tính trước thận: Xảy ra khi thận bắt đầu co lại do không đủ tưới máu thận trong thời gian dài. Nếu không điều trị kịp thời, thận mất dần khả năng hoạt động.
Suy thận mạn tính tại thận: Xảy ra khi thận bị tổn thương lâu dài do bệnh như viêm cầu thận, viêm kẽ thận, viêm ống thận… Bệnh nội tại thận phát triển từ chấn thương trực tiếp đến thận gồm chảy máu nghiêm trọng, thiếu máu, thiếu oxy đến thận.
Suy thận mạn tính sau thận: Do đường tiết niệu bị tắc nghẽn trong thời gian dài (bao gồm tắc đường tiết niệu cao và thấp) gây cản trở sự tống thoát nước tiểu ra bên ngoài. Ứ đọng gây áp lực lớn cho thận, làm tổn thương thận.
Bệnh thận giai đoạn đầu khó xác định. Bác sĩ khuyên nên sớm đi khám thận ngay khi có dấu hiệu tiểu ít, sưng phù tay chân, khó thở… Khi chuyển sang suy thận, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng đau tức ngực, mệt mỏi, buồn ngủ quá mức, sụt cân bất thường, kém ăn, buồn nôn dai dẳng, có rút cơ (đặc biệt ở chân), ngứa, co giật, hôn mê.
Thận có vai trò ổn định thể dịch, bài tiết các chất thừa từ sự chuyển hóa của cơ thể, bảo tồn hay đào thải các chất khác ra khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện. Ở người bệnh suy thận, các chức năng này bị mất, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, bệnh tim mạch, tăng phốt phát máu, tăng kali máu, tích tụ nước trong cơ thể. Chất lượng cuộc sống, công việc, tinh thần người bệnh cũng chịu nhiều tác động.
Hiện có ba phương pháp điều trị suy thận gồm lọc máu nhân tạo (chạy thận nhân tạo), lọc màng bụng, ghép thận. Mỗi phương pháp phù hợp cho những người bệnh khác nhau. Bác sĩ căn cứ vào tình trạng bệnh, điều kiện người bệnh để chỉ định phương pháp phù hợp.
Bác sĩ Chuyên cho biết có thể phòng ngừa bệnh suy thận bằng cách kiểm soát tốt bệnh tiểu đường và cao huyết áp (nếu có), tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng thuốc kê đơn, duy trì cân nặng hợp lý, ăn uống lành mạnh. Giảm đường và muối, uống đủ nước, hạn chế bia rượu, không hút thuốc, kiểm soát căng thẳng, thường xuyên tập thể dục, thể thao cũng giúp phòng bệnh.
Thắng Vũ