Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu tham dự phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Dự thảo Nghị quyết được gửi xin ý kiến của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan ở Trung ương (Chính phủ, Bộ Nội vụ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) và được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Nghị quyết đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 6 chương, 43 điều.
Về những nội dung mới của dự thảo Nghị quyết, theo bà Hải có 5 điểm mới. Theo đó, về việc TXCT sau kỳ họp HĐND, căn cứ Khoản 2 Điều 94 và khoản 2 Điều 112 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì đại biểu HĐND TXCT để báo cáo kết quả kỳ họp. Thực tiễn HĐND cấp tỉnh, cấp huyện vẫn duy trì TXCT sau kỳ họp. Kỳ họp HĐND cấp xã thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (1 buổi hoặc 1 ngày).
Các kỳ họp thông thường được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến cử tri và Nhân dân. Do vậy, để bảo đảm việc thực hiện theo quy định pháp luật và phù hợp với thực tế, dự thảo Nghị quyết không quy định cứng việc TXCT sau kỳ họp HĐND, mà có thể đa dạng hình thức báo cáo với cử tri. Việc lựa chọn hình thức báo cáo do Thường trực HĐND quyết định (Điều 19 dự thảo Nghị quyết).
Về TXCT nhiều cấp, để nâng cao hiệu quả trong công tác TXCT, một giải pháp được các địa phương áp dụng là cùng tổ chức TXCT giữa đại biểu HĐND các cấp. Tương tự như việc đại biểu Quốc hội cùng TXCT với đại biểu HĐND. Từ thực tế đó, Ban Công tác đại biểu đã quy định đại biểu HĐND cấp trên và cấp dưới cùng tổ chức TXCT nhưng không quá hai cấp (khoản 3 Điều 5).
Đối với TXCT ngoài đơn vị ứng cử của đại biểu HĐND, bà Hải nêu rằng: Theo Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mối quan hệ giữa đại biểu HĐND và cử tri không chỉ là hoạt động TXCT ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn TXCT ở đơn vị khác, nhưng không phải là hoạt động bắt buộc. Thực tế, các đại biểu HĐND vẫn ưu tiên hoạt động TXCT ở nơi ứng cử. Do đó, Ban Công tác đại biểu đã quy định, khi có yêu cầu, nguyện vọng TXCT ngoài đơn vị ứng cử, đại biểu HĐND gửi văn bản đề nghị và chương trình, kế hoạch, nội dung TXCT tới Thường trực HĐND cùng cấp về việc TXCT ngoài đơn vị bầu cử của đại biểu HĐND (Điều 23).
Về việc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân cử tri, nhóm cử tri: Việc trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, nhóm cử tri là giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri. Ban Công tác đại biểu đã quy định về trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận tại thôn, tổ dân phố trong việc phối hợp với đại biểu HĐND và trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết (Điều 24).
Đối với việc TXCT trực tuyến, TXCT trực tiếp kết hợp với trực tuyến, Ban Công tác đại biểu cho hay, việc TXCT trực tuyến, TXCT trực tiếp kết hợp với trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời kỳ phát triển công nghệ số, đồng thời để tăng cường sự tương tác giữa đại biểu và cử tri. Chính vì vậy, Điều 26 dự thảo Nghị quyết đã quy định về trình tự, thủ tục để đại biểu HĐND thực hiện TXCT trực tuyến, TXCT trực tiếp kết hợp với trực tuyến và được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện kĩ thuật, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/5-diem-moi-ve-tiep-xuc-cu-tri-cua-dai-bieu-hdnd-cac-cap-10290986.html