Top 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước; Trung Quốc không ngừng mua loại củ này từ Việt Nam … là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 11-17/12.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước. (Nguồn: Cafe F) |
Top 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11 ước đạt 60,88 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, báo cáo cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,59 tỷ USD, giảm 4,1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 tăng 6,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 4,4%.
Xét theo tỉnh, thành phố, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, tính riêng trong tháng 11/2023, 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh (3,62 tỷ USD), Bắc Ninh (3,4 tỷ USD), Hải Phòng (2,9 tỷ USD), Bình Dương (2,6 tỷ USD) và Bắc Giang (2,3 tỷ USD).
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước, với kim ngạch xuất khẩu đạt 38,5 tỷ USD. Đứng thứ hai là Bắc Ninh, với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 36,4 tỷ USD. Theo sau là Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 27,7 tỷ USD, 24 tỷ USD và 23,93 tỷ USD.
Về nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,2 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười Một tăng 5,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,6%.
Xét theo tỉnh, thành phố, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, tính riêng trong tháng 11/2023, 5 địa phương có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh (4,9 tỷ USD), Hà Nội (3,36 tỷ USD), Bắc Ninh (3,12 tỷ USD), Hải Phòng (2,4 tỷ USD) và Bình Dương (1,98 tỷ USD).
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước, với kim ngạch nhập khẩu đạt 50,4 tỷ USD. Đứng thứ hai là Hà Nội, với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 33,9 tỷ USD. Theo sau là Bắc Ninh, Bình Dương và Bắc Giang, với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 30,4 tỷ USD, 19,98 tỷ USD và 18,4 tỷ USD.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 85,94 tỷ USD, giảm 2,2%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 236,56 tỷ USD, giảm 7,1%, chiếm 73,4%.
Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 296,67 tỷ USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 105,94 tỷ USD, giảm 8,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 190,73 tỷ USD, giảm 11,7%.
Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD.
Trung Quốc không ngừng mua loại củ này từ Việt Nam
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 11/2023, Việt Nam xuất khẩu 268,91 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 134,77 triệu USD. Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt trên 2,66 triệu tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 11/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92,09% về lượng và chiếm 92,59% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 247,64 nghìn tấn, trị giá 124,78 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 0,1% về trị giá tháng 10/2023; So với tháng 11/2022 giảm 10,6% về lượng, nhưng tăng 6,8% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 503,9 USD/tấn, giảm 2,5% so với tháng 10/2023, nhưng tăng 19,5% so với tháng 11/2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2,43 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 10/2023, Trung Quốc nhập khẩu 233,76 nghìn tấn sắn lát (HS 07141020), với trị giá 66,92 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với tháng 10/2022. Thái Lan, Việt Nam, Lào là 3 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 5,35 triệu tấn sắn lát, với trị giá 1,47 tỷ USD, giảm 17,1% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Nigeria là 5 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.
Đáng chú ý, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam, Campuchia và Nigeria tăng. Trong khi nhập khẩu từ Thái Lan và Lào sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 667,15 nghìn tấn, trị giá 183,01 triệu USD, tăng 28,9% về lượng và tăng 19,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 12,47% về lượng và chiếm 12,38% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 10/2023, Trung Quốc nhập khẩu 308,07 nghìn tấn tinh bột sắn (HS 11081400), trị giá 169,14 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 19,4% về trị giá so với tháng 10/2022. Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào, Campuchia là các thị trường cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc. Trừ Lào, nhập khẩu tinh bột sắn từ các thị trường này đều tăng khá so với tháng 10/2022.
Tính chung 10 tháng năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 2,54 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,28 tỷ USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 29,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia.
Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 795,99 nghìn tấn, trị giá 386,03 triệu USD, giảm 39,2% về lượng và giảm 42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 31,28% về lượng và chiếm 30,06% về trị giá, thấp hơn so với 10 tháng năm 2022.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu tinh bột sắn từ Lào và Indonesia so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần tinh bột sắn của Lào chiếm 6,78% về lượng và chiếm 5,91% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với 10 tháng năm 2022; Trong khi thị phần tinh bột sắn của Indonesia chiếm 2,95% về lượng và chiếm 2,99% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng so với 10 tháng năm 2022.
Qua số liệu cho thấy, trong 10 tháng năm 2023 Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, trong khi tăng nhập khẩu từ Lào và Indonesia. Tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Indonesia, Lào và Campuchia.
Xuất khẩu cao su “gặp khó” tại Ấn Độ
Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 9 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 869,51 nghìn tấn cao su (HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 1,58 tỷ USD, giảm 8,1% về lượng và giảm 25,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ.
Nhập khẩu cao su của Ấn Độ từ Việt Nam giảm mạnh trong 9 tháng năm 2023, với 77,77 nghìn tấn, trị giá 114 triệu USD, giảm 26,5% về lượng và giảm 44,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 8,94% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, giảm so với mức 11,19% của cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường Ấn Độ, thị phần cao su của Việt Nam đang bị thu hẹp so với cùng kỳ năm 2022, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 362,44 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 540,62 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 33,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ.
Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 9 tháng đầu năm 2023 với 76,24 nghìn tấn, trị giá 111 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 45,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ chiếm 21,04%, giảm mạnh so với mức 24,69% của cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Dự báo hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cao su khó có thể đạt được mục tiêu 3,5 tỷ USD mà sẽ chỉ dừng ở mức 3 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su sang các thị trường phần lớn vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, nhất là các thị trường lớn như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Nga, Indonesia, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, xuất khẩu cao su sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt về lượng so với cùng kỳ năm 2022 như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, CH Czech…