Huyết áp thấp xảy ra khi lưu lượng máu qua động mạch bị giảm. Thông thường, chỉ số dưới 90/60 mmHg được coi là huyết áp thấp, theo tờ Hindustan Times.
Mặc dù huyết áp thấp không đáng lo ngại như huyết áp cao nhưng chúng cũng gây ra những biến chứng nguy hiểm. Huyết áp thấp thường gây ngất xỉu, mệt mỏi, da lạnh hoặc nhợt nhạt.
Ông Mohit Bhutani, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Amrita (Ấn Độ), đã chia sẻ 5 dấu hiệu và 5 biến chứng thường gặp khi huyết áp thấp.
Dấu hiệu huyết áp thấp
1. Chóng mặt, choáng váng
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng huyết áp thấp là chóng mặt hoặc choáng váng, đặc biệt khi thay đổi tư thế nhanh.
Nguyên nhân là do não không được cung cấp đủ máu. Vì vậy, chúng ta sẽ tạm thời cảm thấy chóng mặt và choáng váng.
2. Mệt mỏi và suy nhược
Huyết áp thấp cũng có thể gây ra mệt mỏi, suy nhược do lưu lượng máu đến các cơ và cơ quan giảm.
Khi huyết áp thấp, các bộ phận cơ thể sẽ bị thiếu năng lượng và bạn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các hoạt động hằng ngày.
3. Ngất
Trong trường hợp nặng, huyết áp thấp có thể khiến bạn ngất xỉu. Tình trạng này xảy ra khi não không nhận đủ máu, dẫn đến mất ý thức tạm thời.
Ngất xỉu rất nguy hiểm với bản thân bạn và mọi người xung quanh, đặc biệt trong lúc lái xe hoặc vận hành máy móc.
4. Thở nhanh
Hạ huyết áp có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, gây thở nhanh hoặc gấp. Khi huyết áp thấp, cơ thể sẽ cố gắng tăng nhịp thở để cải thiện việc cung cấp oxy.
5. Da lạnh và đổ mồ hôi
Huyết áp thấp khiến tuần hoàn máu giảm và da lạnh, đổ mồ hôi. Các chi, như bàn tay và bàn chân, có cảm giác mát khi chạm vào và da sẽ nhợt nhạt.
Biến chứng huyết áp thấp
1. Tổn thương nội tạng
Huyết áp thấp kéo dài có thể dẫn đến lượng máu cung cấp đến các cơ quan quan trọng như tim, thận và não giảm. Theo thời gian, các cơ quan này có thể bị tổn thương.
Những triệu chứng của giảm lưu thông máu lên não gồm nói lắp, tê yếu đột ngột ở các chi, khó nuốt, mất thăng bằng, mất thị lực một phần hay hoàn toàn, nhìn 1 ra 2, chóng mặt, tê hoặc ngứa ra ở tay chân, nôn mửa. Các triệu chứng này có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn.
2. Ngã và chấn thương
Chóng mặt và choáng váng khi huyết áp thấp có thể gây ra té ngã và chấn thương. Vì vậy, những người bị hạ huyết áp nên hạn chế thay đổi tư thế nhanh.
3. Sốc
Sốc xảy ra khi cơ thể không nhận đủ máu để hoạt động bình thường, dẫn đến suy nội tạng và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
4. Giảm chức năng nhận thức
Lưu lượng máu lên não không đủ có thể làm suy giảm chức năng nhận thức, ảnh hưởng khả năng ghi nhớ, tập trung và ra quyết định.
5. Biến chứng trong quá trình phẫu thuật
Huyết áp thấp có thể làm tăng nguy cơ biến chứng trong quá trình phẫu thuật hoặc can thiệp y tế, chẳng hạn như chảy máu quá nhiều hoặc oxy hóa mô không đủ.