Lăn kim, laser, tách đáy sẹo, thay da sinh học là các phương pháp giúp điều trị và cải thiện tình trạng sẹo rỗ thường được sử dụng.
Sẹo rỗ (sẹo lõm) hình thành sau quá trình mô da bị tổn thương dẫn đến suy thoái các sợi collagen, elastin và mô mỡ bên dưới da. Trong quá trình lành thương, cơ thể không thể tái tạo mô hoàn chỉnh, khiến da bị lõm xuống với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau.
BS.CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết sẹo rỗ chiếm khoảng 80-90% ca bệnh so với sẹo phì đại và sẹo lồi (do tăng sinh collagen quá mức trong quá trình lành thương).
Nặn mụn trứng cá, mụn bọc, mụn mủ… không đúng cách, gây viêm, nhiễm trùng da nặng là nguyên nhân phổ biến gây ra sẹo rỗ. Gãi vỡ mụn nước thủy đậu, cạy mài mụn sớm cũng dễ để lại sẹo rỗ kích thước 3-8 mm. Vết thương sau phẫu thuật, tai nạn hay bị bỏng khi không được điều trị thích hợp thường để lại vết sẹo rỗ, co rút.
Theo bác sĩ Duy, sẹo rỗ không thể tự đầy. Sẹo hình thành từ một năm trở lên, phần đáy sẹo cứng lại và chuyển sang màu trắng xám, các mô bị xơ hóa. Lúc này, các cách can thiệp tự nhiên hay dùng thuốc bôi đều không mang lại hiệu quả điều trị cao mà cần giải quyết bằng các biện pháp chuyên khoa. Dưới đây là 5 phương pháp điều trị sẹo rỗ hiệu quả thường được áp dụng.
Laser: Tái tạo bề da mặt bằng laser là phương pháp điều trị sẹo rỗ hiệu quả và dễ thực hiện, theo bác sĩ Duy. Tùy vào tình trạng, tính chất da người bệnh, bác sĩ chọn loại laser phù hợp như laser CO2 fractional, laser Er: YAG, PDL…
Laser Co2 fractional không xâm lấn thường được sử dụng trị sẹo rỗ mức độ trung bình đến sâu. Tia laser được chiếu vào vùng sẹo nhằm tạo ra các tổn thương giả, hay còn gọi vi tổn thương, nhằm kích thích sự phát triển tế bào, tái tạo da. Các vết rỗ giảm dần theo quá trình lành vết thương.
Thay da sinh học (peel da): Tùy tình trạng sẹo lõm và loại da của bệnh nhân, bác sĩ chọn loại dung dịch gốc axit với nồng độ phù hợp để thoa hoặc chấm trực tiếp lên vùng da cần điều trị. Từ đó, kích thích quá trình bong vảy lớp biểu bì, đẩy nhanh quá trình tăng sinh collagen và elastin khi thay da mới, nhất là ở vùng lõm, giúp sẹo đầy dần lên.
Tùy cơ địa từng người, liệu trình peel da có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Phương pháp này có chi phí thấp hơn các phương pháp trị liệu bằng công nghệ cao và khắc phục được nhiều vấn đề da khác như mụn, thâm, nám nông, lỗ chân lông to…
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Đây là thành phẩm được thu từ chính máu của người bệnh, giàu tiểu cầu và cytokines. Các yếu tố tăng trưởng trong tiểu cầu giúp kích thích tăng sinh tế bào, sản xuất collagen, tăng trưởng tế bào thượng bì, tăng sinh mạch máu. Phương pháp này thường được áp dụng chung với các phương pháp khác như tách đáy sẹo, laser, lăn kim… để tăng hiệu quả điều trị.
Lăn kim: Đây là phương pháp sử dụng các đầu kim siêu nhỏ tác động trực tiếp vào vùng da lõm, tạo những tổn thương giả trên da. Từ đó phá vỡ các mô sẹo, kích thích quá trình tự lành thương của cơ thể, tăng sinh collagen và elastin.
Sau vài ngày, collagen tăng sinh ở vùng da được điều trị, giúp làm đầy sẹo rỗ. Các tổn thương giả cũng là đường dẫn, đưa dưỡng chất (serum, tế bào gốc…) dễ dàng thẩm thấu vào sâu bên trong, tăng hiệu quả của thuốc bôi.
Bóc tách sẹo: Bác sĩ sử dụng dụng cụ tách đáy sẹo xuyên qua bề mặt da để cắt đứt, phá vỡ các mô sợi liên kết với đáy sẹo, giúp đáy sẹo được nâng lên. Phương pháp này dễ áp dụng, chi phí thấp, thời gian nghỉ dưỡng ngắn, có thể áp dụng cho nhiều loại da và hiệu quả cao, ít gây tổn thương cho bề mặt da.
Bác sĩ Duy lưu ý người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da khám, soi da xác định loại sẹo rỗ để có liệu trình điều trị phù hợp. Các phương pháp này hiệu quả cao nhưng nếu không thực hiện đúng kỹ thuật có nguy cơ để lại biến chứng như sẹo nặng hơn, bỏng da, tăng sắc tố, nhiễm trùng da.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu – thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |