Lễ đăng quang của Nhà vua Charles III là cơ hội để gắn kết mọi người với lịch sử, những giá trị tôn giáo và văn hóa truyền thống có từ hơn 1.000 năm.
Tại sự kiện lớn của Vương quốc Anh, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng những bảo vật từng xuất hiện trong lễ đăng quang 70 năm trước.
Ngai vàng gắn khối đá sa thạch đỏ Stone of Scone
Nhà vua Charles III sẽ ngồi lên chiếc ngai vàng có tuổi đời 1.500 năm lịch sử trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster.
Nhà vua Charles sẽ đội vương miện khi ông ngồi trên ngai vàng. Chiếc ghế cao 2,05 m được làm bằng gỗ sồi. Ban đầu ghế được dát bằng vàng lá và thủy tinh màu. Tuy nhiên, theo thời gian, lớp vàng đã bị bào mòn.
Từ thời Nhà vua Edward I, ngai vàng đã được tạo nên gắn với khối đá sa thạch đỏ Stone of Scone. Khối đá này được người Scotland gọi là Khối đá Định mệnh, được chuyển tới Tu viện Westminster vào thế kỷ 13.
Năm 1996, Thủ tướng John Major đã trả lại khối đá cho Scotland, với một điều kiện rằng khi nào Anh tổ chức lễ đăng quang, nước này có thể sử dụng. Trong những ngày gần đây, khối đá đã tạm thời được di chuyển khỏi Lâu đài Edinburgh đến tu viện Westminster.
Thìa đăng quang
Chiếc thìa đăng quang bằng bạc mạ vàng là bảo vật duy nhất của lễ đăng quang còn sót lại sau Nội chiến Anh. Sau khi Nhà vua Charles I bị hành quyết vào năm 1649, phần còn lại của bộ sưu tập bảo vật này đã bị nấu chảy hoặc bán đi khi Quốc hội tìm cách xóa bỏ chế độ quân chủ.
Chiếc thìa là trung tâm của phần nghi lễ thiêng liêng nhất trong lễ đăng quang. Tổng giám mục Canterbury sẽ đổ dầu thánh từ một chiếc ống hoặc bình hình con đại bàng vào chiếc thìa rồi xoa lên tay, ngực và đầu của Nhà vua. Buổi lễ bắt nguồn từ câu chuyện trong Kinh thánh về hành động xức dầu của Vua Sa-lô-môn, với mục đích xác nhận rằng vị vua này được Đức Chúa Trời trực tiếp chỉ định.
Chiếc thìa dài 26,7 cm được sản xuất vào thế kỷ 12, dùng cho lễ đăng quang của Nhà vua Henry II hoặc Nhà vua Richard I. Có thể ban đầu chiếc thìa này được sử dụng để trộn nước và rượu.
Kim cương Cullinan
Hai viên kim cương nhỏ được cắt từ viên kim cương Cullinan – viên kim cương thô lớn nhất từng được tìm thấy – sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang. Tuy nhiên, những viên kim cương này lại gây ra tranh cãi.
Đối với nhiều người ở Nam Phi – nơi viên kim cương ban đầu được tìm thấy vào năm 1905, những viên đá quý là biểu tượng của sự áp bức thuộc địa dưới sự cai trị của Anh và chúng nên được trả lại.
Cullinan I, một viên hình giọt nước khổng lồ nặng 530,2 carat, được gắn trên vương trượng trao cho Nhà vua Charles III như một biểu tượng cho quyền lực.
Trong khi đó, viên thứ hai Cullinan II nặng 317,4 carat được gắn trên mặt trước của vương miện Hoàng gia mà Nhà vua Charles III sẽ đội khi rời khỏi Tu viện Westminster.
Vương miện St. Edward
Khoảnh khắc đăng quang sẽ diễn ra khi Tổng Giám mục Canterbury đặt vương miện Thánh Edward lên đầu Nhà vua Charles III. Đây sẽ là lần duy nhất trong triều đại nhà vua đội vương miện bằng vàng nguyên khối, kèm theo mũ nhung tím, dải lông chồn và các mái vòm đan chéo trên đỉnh có hình thánh giá.
Sau buổi lễ, Nhà vua Charles III sẽ đổi chiếc vương miện nặng 2,08 kg sang chiếc vương miệng nhẹ hơn của hoàng gia để trở lại Cung điện Buckingham.
Cỗ xe kéo 261 tuổi
Nhà vua Charles III và Hoàng hậu Camilla sẽ quay trở lại Cung điện Buckingham từ Tu viện Westminster trên cỗ xe ngựa 261 năm tuổi.
Cỗ xe được làm vào năm 1762 dưới triều đại của Nhà vua George III và nó đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang kể từ năm 1831. Nó được làm bằng gỗ và mạ vàng lá. Phần nội thất được bọc bằng vải sa tanh và nhung.
Với trọng lượng 4 tấn và cũ kỹ theo thời gian, cỗ xe được cho là di chuyển với tốc độ đi bộ.
Theo baotintuc.vn