Cuộc ngừng việc tập thể của hơn 5.000 công nhân Công ty TNHH Viet Glory (đóng tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An) bước sang ngày thứ 6, bất chấp thông báo yêu cầu trở lại làm việc trong ngày 6/10 của lãnh đạo công ty.
Trong thông báo lần thứ 2, ngày 5/10, lãnh đạo Công ty TNHH Viet Glory nêu rõ: Trường hợp công nhân không vào làm việc sẽ tính nghỉ tự do kể từ ngày 2/10. Sau 5 ngày nghỉ tự do, công ty sẽ thực hiện thủ tục theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 36 Bộ Luật lao động về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sáng 7/10, hàng nghìn công nhân có mặt trước cổng công ty nhưng chỉ một số người lao động vào xưởng làm việc. Hàng nghìn công nhân tập trung trước khu vực nhà máy và đứng kín hai bên đường.
Trước đó, vào ngày 5/10, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã có công văn, giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp, giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc đình công nêu trên theo quy định, không để xảy ra hiện tượng đình công, ngừng việc lây lan, kéo dài hoặc phát sinh “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự.
Sáng 7/10, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động công nhân vào làm việc để đảm bảo thu nhập và duy trì hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Thời điểm đầu giờ làm việc buổi sáng, có hơn 1.500 cán bộ, công nhân công ty đã vào nhà máy.
Nhiều công nhân cho biết, việc họ đồng loạt ngừng việc không phải để yêu cầu công ty tăng lương cơ bản.
“Chúng tôi hiểu mức lương hiện tại công ty trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định nhà nước, và chúng tôi cũng chia sẻ với công ty trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, các chế độ phụ cấp của người lao động cần phải được cải thiện như tiền phụ cấp xăng xe, tiền ăn, phụ cấp thâm niên… quá thấp nhưng điều này không được đề cập cụ thể trong các thông báo của công ty.
Chúng tôi được hỗ trợ 20.000 đồng tiền ăn trưa, trong khi đó, suất cơm bình dân thấp nhất cũng đã 25.000 đồng rồi”, một công nhân nêu ý kiến với phóng viên.
Phần lớn công nhân cho rằng, mức phụ cấp thâm niên 60.000 đồng/tháng/năm làm việc (kể từ năm thứ 2 trở đi) là không hợp lý. Theo công nhân, phụ cấp thâm niên phải tăng theo thời gian làm việc, không thể cào bằng như hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bức xúc về việc người lao động không được quản lý bộ phận, quản lý chuyền tôn trọng và thường xuyên bị xúc phạm về tinh thần.
Mặc dù công ty đã có lý giải về quy trình xây dựng định mức lao động và định mức lao động hiện áp dụng tại đây, tuy nhiên, các công nhân cho rằng định mức này là quá cao. Thực tế, người lao động khó có thể đáp ứng được yêu cầu trong khi thời gian làm việc của họ phải kéo dài hơn.
Công nhân tập trung ở khu vực trước cổng công ty đến khoảng 8h30, sau đó giải tán dần.
“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo công ty ra thông báo cụ thể về việc giải quyết các kiến nghị cho người lao động. Công nhân muốn gắn bó lâu dài với công ty nhưng các quyền lợi của người lao động phải được đảm bảo và giải quyết thấu đáo”, công nhân nói.
Cảnh sát giao thông phải phân luồng, điều tiết, đảm bảo lưu thông trước khu vực công ty TNHH Viet Glory khi hàng nghìn công nhân ra về.
Khoảng 9h, công nhân đã giải tán hoàn toàn trước khu vực cổng công ty.
Như vậy tính từ sau bữa cơm trưa ngày 2/10, vụ việc hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Viet Glory ngừng việc tập thể đã kéo dài sang ngày thứ 6.