Dù nằm tuốt trong chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3, TP.HCM) nhưng suốt bao năm nay, nhiều khách vẫn đều đặn ghé quán bán bánh Huế của chị em bà Thùy Linh (59 tuổi) để thưởng thức vì… lỡ ghiền.
Khởi nghiệp cùng mẹ kế từ hồi nhỏ xíu
Buổi chiều, sau cơn mưa bất chợt ở TP.HCM, tôi ghé chợ Nguyễn Văn Trỗi. Quán bánh Huế của chị em bà Linh nằm nép trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3).
[CLIP]: Hấp dẫn quán bánh Huế 40 năm nằm trong chợ Nguyễn Văn Trỗi.
Chừng 15 giờ, tôi gặp bà Mỹ Tiên (56 tuổi) là em gái bà Linh đang trông coi quán, tất bật tiếp khách. Bà cho biết quán mở từ 13 giờ, thường tới 17 – 18 giờ là hết. Các chị em bà chia ca ra bán cùng vài người thân, con cháu trong nhà cho tiện, cứ như vậy suốt mấy chục năm nay.
Bà Mỹ Tiên cho biết quán được 3 chị em ruột của bà cùng người mẹ kế mở năm 1977, cũng ở chợ Nguyễn Văn Trỗi này, cứ như vậy suốt bao năm nay không đổi. Tất cả, cũng chỉ vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo của gia đình khi nhà bà có tới 7 anh chị em ruột.
“Lúc đó, chị em tôi còn nhỏ xíu. Chị Linh thì 14 tuổi, còn tôi cỡ 11 tuổi, nhưng vẫn đã ra phụ mẹ và các chị rồi. Gia đình tôi người gốc Huế, nên quyết định bán các món bánh truyền thống của người Huế mình”, chị tâm sự.
Sau khi cùng mẹ kế bán hơn chục năm, 3 chị em bà tiếp nhận lại quán. Thay vì chỉ bán duy nhất một loại bánh như bình thường, chị em bà quyết định bán đa dạng hơn, như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít ram… để cho khách có nhiều lựa chọn. Cứ vậy, họ bán từ hồi còn nhỏ xíu cho tới ngày hôm nay, khi tóc đã hoa râm.
Một điều đặc biệt trong mối quan hệ của 3 chị em bà Tiên, chính là họ rất thân thiết và gắn bó với nhau. Không chỉ cùng nhau làm món Huế và bán mỗi ngày, họ còn sống cùng nhà. Cả 3 chị em đều có gia đình, sống trong một đại gia đình yêu thương nhau. Đó cũng là điều khiến họ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
“Lỡ ghiền bánh Huế ở đây nên ăn hoài!”
Theo lời tâm sự của chủ quán, dù làm các món bánh theo công thức đặc trưng của người Huế, nhưng sau bao nhiêu năm buôn bán, chị em bà cũng có những sự thay đổi ít nhiều để phù hợp với khẩu vị của thực khách ở TP.HCM.
Bí quyết của bà nằm ở độ tươi và chất lượng của các nguyên liệu. “Sáng nhà tôi làm chả để cung cấp sỉ. Các loại chả do gia đình tự làm phối hợp ăn cùng với các loại bánh Huế ở đây khiến khách rất thích vì chất lượng. Thêm nữa, phần nước chấm chính là linh hồn của món ăn, không giống với nơi khác”, bà chủ tự tin.
Bánh hấp dẫn, bắt mắt.
Nói về danh hiệu “bà trùm bánh Huế” mà nhiều khách đặt cho chị em bà, bà Tiên cười nói rằng đó chỉ là lời nói vui, dễ thương của khách. Phần là vì khách thương, yêu quý, phần là vì ở chợ Nguyễn Văn Trỗi không có quán nhiều sạp, quán bán món này.
Bà Ngọc (58 tuổi) là người gốc Huế sống ở TP.HCM cho biết mình là khách quen ở đây suốt hơn 10 năm nay. Lần đầu bà tới đây ăn, là khi vô tình tới chợ Nguyễn Văn Trỗi và ăn thử.
“Ăn xong, lỡ ghiền luôn nên cứ rảnh là ghé đây ăn hoài. Tôi thích bánh bột lọc, bánh nậm, món ăn làm tôi nhớ tới quê hương mình. Ở đây giá cả cũng phù hợp! Bình thường, ăn xong tôi cũng mua về cho tụi nhỏ ăn, tụi nó ngại ăn bên ngoài”, bà tâm sự.
Trong khi đó, anh Thanh Hòa (25 tuổi, ngụ Q.10) chiều chiều cũng cùng vài người bạn tới đây ăn. Biết tới quán thông qua mạng xã hội, anh có ghé ăn thử một vài lần rồi thành khách quen ở đây luôn.
Vị khách cho biết thường tới đây anh gọi một dĩa đầy đủ với 4 loại bánh. Anh nói loại nào cũng thấy thích vì có hương vị riêng. “Tôi từng đi Huế và ăn các loại bánh này. Tôi ăn ở đây thấy khá giống với những món Huế tôi từng ăn, nhưng khẩu vị hợp với người miền Nam như tôi hơn. Lâu lâu vẫn hay hẹn bạn bè đi ăn cho có tụ”, anh Hòa cười nói.