Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố phổ điểm 8 đợt thi đánh giá năng lực HSA năm 2023 (diễn ra từ ngày 10.3 đến 4.6). Hơn 87.000 lượt thí sinh đã dự thi kỳ thi này, trong đó có khoảng 1/3 lượt thí sinh dự thi lần 2.
Theo đó, thí sinh đạt điểm cao nhất của kỳ thi đạt 133 điểm (điểm tối đa là 150), thí sinh đạt điểm thấp nhất là 31/150 điểm. Điểm trung bình là 77,1/150; trung vị tại 77,0/150; độ lệch chuẩn là 14,0. Phân bố điểm thi theo phân phối chuẩn với giá trị trung bình và trung vị gần nhau.
Đạt 133 điểm là một thí sinh Hưng Yên. Thí sinh xếp thứ nhì đạt 129 điểm, đến từ Vĩnh Phúc; tiếp theo là một thí sinh Thái Bình, 128 điểm; thứ 4 là một thí sinh Hà Nội, 126 điểm. Cả bốn thí sinh này đều dự thi 2 lần, mức điểm lần thi trước đạt từ 113 – 119/150 điểm.
Tiếp theo là 7 thí sinh cùng mức điểm 125. Có 58 thí sinh đạt mức điểm ≥ 120. Số lượt thi đạt ≥ 110 điểm chiếm 1,9%; đạt điểm ≥ 100 có 6,0%; đạt mức điểm ≥ 90 khoảng 19,3%; đạt kết quả ≥ 85 điểm là 27,8%; đạt điểm ≥ 80 điểm có 42,3%; mức điểm ≥ 75 có khoảng 56,1%.
Đáng lưu ý, theo thông báo của ĐH Quốc gia Hà Nội, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển (còn gọi là điểm sàn) bằng kết quả thi HSA (thời hạn trong 2 năm kể từ ngày thi ) vào các ngành đào tạo bậc ĐH năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội là 80/150.
Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, đường cong phân bố điểm bài thi HSA năm 2023 tương đồng với phân bố kết quả thi năm 2022. Điểm trung bình năm nay giảm nhẹ so với năm trước. Nguyên nhân điểm bài thi giảm nhẹ do quy mô kỳ thi HSA năm 2023 tăng gần 1,5 lần, thời gian tổ chức các đợt thi diễn ra trong 2,5 tháng, số lượt thi tối đa của thí sinh giảm còn 2 lượt/năm.
Được biết, trong 8 đợt thi HSA, có 90.045 lượt thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 29.110 lượt thí sinh đăng ký dự thi lần 2 (chiếm khoảng 32%). Phân bố đăng ký dự thi theo tỉnh thành có 37% thí sinh của Hà Nội; Nam Định chiếm 7%; Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa mỗi tỉnh chiếm 5%; Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc chiếm 4% /tỉnh; Bắc Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Phú Thị, Hà Nam, Thái Nguyên chiếm 2 – 3%/tỉnh…
Bài thi HSA của ĐH Quốc gia Hà Nội hướng tới đánh giá năng lực học sinh phổ thông theo 3 nhóm chính: sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự học, khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên – xã hội).
Cấu trúc bài thi HSA gồm 3 phần: tư duy định tính (50 câu hỏi, 60 phút); tư duy định lượng (50 câu hỏi, 75 phút); khoa học (50 câu hỏi, 60 phút). Tổng số 150 câu hỏi. Thời gian làm thi HSA là 195 phút (trường hợp có thêm 2 – 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm sẽ được cộng thời gian làm bài). Thí sinh làm bài thi trên máy tính và hoàn thành trong một buổi thi. Điểm bài thi hiển thị ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài.