Chiều 6.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 14 cấp Chủ tịch Ủy ban quốc gia về hợp tác phòng, chống ma tuý tiểu vùng sông Mê Kông, diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc (thứ 2 và 3 từ trái qua) tại Hội nghị. Ảnh: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý
Đại diện Bộ Công an Việt Nam có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng đại diện các đơn vị nghiệp vụ trong ngành.
Tham dự hội nghị còn có Chủ tịch Ủy ban phòng chống ma tuý các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và đại diện Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá, trong 30 năm qua, cơ chế hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông (MOU) về phòng, chống ma tuý đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân các nước thành viên.
Trong khuôn khổ MOU ký năm 1993, UNODC và các nước thành viên đã cùng nhau xây dựng, thông qua và thực hiện các Kế hoạch hành động tiểu vùng về phòng, chống ma túy, đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại…
Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống ma tuý năm 2021 nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống ma tuý; kiện toàn Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban.
Việt Nam cũng đã triển khai việc lồng ghép nội dung các kế hoạch và sáng kiến hợp tác chung của cơ chế hợp tác MOU 1993 vào chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý, trong đó, dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa…
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam ủng hộ quan điểm không khoan nhượng với ma tuý và tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực không ma tuý…
Thời gian gần đây, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy ở khu vực và trên thế giới diễn biến rất phức tạp; hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý, đặc biệt là ma tuý tổng hợp tiếp tục gia tăng…
Số người sử dụng ma tuý tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trên toàn thế giới, từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023, tương đương 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi 15-64, tăng trung bình 23% sau 10 năm.
Trong khi đó, công tác điều trị cho người nghiện và người sử dụng ma tuý vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế, đặc biệt là điều trị cho người sử dụng ma tuý tổng hợp.
Thực trạng trên cho thấy, tội phạm và tệ nạn ma tuý đang là thách thức nghiêm trọng đối với tinh thần thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, là mối nguy hại cho cộng đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân…
Phó Thủ tướng cho rằng, các nước thành viên cần tiếp tục thể hiện sự đoàn kết, thống nhất trong quan điểm, lập trường đối với chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu, tích cực đóng góp tiếng nói vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế…
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam quyết tâm và cam kết tăng cường hợp tác với UNODC, các nước tiểu vùng sông Mekong và trên thế giới về phòng chống ma tuý để cùng phấn đấu cho mục tiêu chung: Vì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không ma túy.
Tại hội nghị đã thông qua Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 12; Tuyên bố chung Bắc Kinh; và Sáng kiến của Trung Quốc về giải quyết vấn đề ma tuý tổng hợp ở khu vực tiểu vùng sông Mekong.
Nội dung của Tuyên bố chung tập trung vào đánh giá tình hình tội phạm ma túy ở tiểu vùng; những khó khăn, thách thức và cam kết của các nước trong thực hiện các hoạt động phòng, chống ma túy ở tiểu vùng.
Trong khi đó, Sáng kiến của Trung Quốc về giải quyết vấn đề ma tuý tổng hợp ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông đưa ra những giải pháp cụ thể với sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc thực hiện các hoạt động hành pháp, kiểm soát hóa chất, giám định ma túy.
laodong.vn