CASA tự tin hướng đến mốc 55%
Nói đến Techcombank, bên cạnh câu chuyện kinh doanh và lợi nhuận luôn giữ ngôi vị top đầu trong nhóm ngân hàng TMCP, nhà băng này còn gắn liền với danh xưng “ông vua CASA”. Ngay từ năm 2016, với chính sách “Zero fee”, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của trên tổng tiền gửi của ngân hàng đã tăng liên tục quý này qua quý khác, có giai đoạn đạt hơn 50%.
Sau thời kỳ hậu Covid-19 khó khăn và có lúc bị vượt qua, chuỗi tăng tỷ lệ CASA của Techcombank được nối lại từ nửa sau năm 2023 và đạt mốc 39,9% cuối năm 2023. Đến quý I/2024, số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 49,4% so với cùng kỳ và 2,1% so với cuối năm 2023, giúp tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi tăng lên mức 40,5%, mức cao nhất hệ thống ngân hàng.
Động lực tăng trưởng CASA được củng cố thông qua việc thu hút khách hàng mới cùng những định vị giá trị độc đáo mới được ra mắt trong quý I/2024 như tính năng “Sinh lời tự động” và nền tảng khách hàng thân thiết Techcombank Rewards.
“Sinh lời tự động” (Auto-earning) cho phép khách hàng tối ưu hóa tiền mặt nhàn rỗi và nhận được lợi suất tốt hơn, trong khi với Techcombank Rewards, khách hàng sẽ được tích điểm mọi lúc, mọi nơi khi chi tiêu qua thẻ hoặc chuyển khoản qua ứng dụng Techcombank Mobile. Nhờ đó, những sản phẩm mới của Techcombank được thị trường đón nhận và mang lại vị thế khác biệt cho ngân hàng trên đường đua CASA.
“Tôi tin rằng mục tiêu 55% đối với tỷ lệ CASA là hoàn toàn đạt được, với những tính năng mới như “Sinh lời tự động. Chúng tôi có thể sẽ đạt được kết quả này trong năm nay, hoặc năm sau”, CEO Techcombank, ông Jens Lottner cho biết.
Ngân hàng này cũng thu hút tới 2,6 triệu khách hàng mới trong năm 2023, cao hơn gấp đôi so với năm trước. Trong đó, việc Techcombank hợp tác với Masan để tạo ra hệ sinh thái Winlife đã giúp ngân hàng có thêm xấp xỉ 1 triệu khách hàng bán lẻ mới trong khi kênh số giúp thu hút 1,2 triệu khách hàng. Số lượng khách hàng SME thu hút mới năm 2023 cũng tăng 122% so với năm 2022. Sự tăng trưởng chưa từng có về số lượng khách hàng này đánh dấu sự thâm nhập nhanh chóng của Techcombank vào các phân khúc mới, bao gồm cả phân khúc khách hàng đại chúng và thu nhập khá.
Hơn nữa, tệp khách hàng ưa chuộng số hóa này của Techcombank phù hợp chiến lược phát triển dồn trọng tâm vào công nghệ của ngân hàng trong suốt nhiều năm qua. Theo đó, 94% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trực tuyến và nền tảng ngân hàng số của ngân hàng nhận ghi nhận khoảng 50 lượt đăng nhập cho mỗi khách hàng mỗi tháng, dẫn đầu về mức gắn kết khách hàng so với các ngân hàng trên toàn cầu.
Vốn hóa 20 tỷ USD, thu nhập từ phí và ROE giữ vị thế dẫn đầu
Giai đoạn 2021-2025, một trong những mục tiêu tham vọng hàng đầu của Techcombank là đạt vốn hóa 20 tỷ USD. Từ đây, hàng loạt biện pháp đã được ngân hàng này triển khai nhằm nâng cao vị thế cũng như chinh phục các nấc thang mới về hiệu quả kinh doanh và đầu tư.
Năm 2023, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế đạt 22.888 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm. Kết quả này thúc đẩy giá cổ phiếu TCB tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I/2024. Cụ thể, mã này đã tăng khoảng 30% trong quý I/2024, mức độ tăng trưởng hiếm có cổ phiếu nào đạt được trong giai đoạn này.
Xu thế tăng giá của cổ phiếu TCB tiếp tục được củng cố khi Techcombank công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 32% và 39% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ sau 3 tháng, lợi nhuận của ngân hàng đã đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Bí quyết của Techcombank nằm ở lựa chọn tệp khách hàng.
Trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng không cạnh tranh về giá, thay vào đó chọn cung cấp dịch vụ chất lượng, với chi phí phù hợp và những giải pháp tài chính được “may đo” theo nhu cầu cá nhân của từng khách hàng. Techcombank hiện chiếm hơn 50% thị phần khách hàng có thu nhập cao tại Việt Nam, mang lại một nửa doanh thu hoạt động cho khối Ngân hàng Bán lẻ Techcombank cùng vị thế nhà tư vấn quản lý tài sản chuyên nghiệp của ngân hàng với nhóm khách hàng tinh hoa.
Ngoài ra, mối quan hệ với các đối tác hàng đầu cũng mang tới nền tảng phát triển chuỗi giá trị cho các dịch vụ của Techcombank. Đơn cử như “Winlife” hợp tác với Masan, khi Techcombank đưa giải pháp thanh toán sáng tạo kết hợp cùng chương trình tích lũy điểm thưởng hấp dẫn đến với hàng triệu khách hàng thông qua mạng lưới 3.600 cửa hàng tiện lợi Winmart trên cả nước, nhờ đó tạo nên chuỗi giá trị đồng nhất từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng cuối. Cùng với nền tảng công nghệ vượt trội, sự thống nhất về chuỗi giá trị này mang tới lợi thế về data khách hàng vượt trội cho ngân hàng.
Nhờ đó, thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Trong quý I/2024, phí thu từ dịch vụ thẻ đạt 497 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập từ phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đạt hơn 750 tỷ đồng, cao gấp hơn 2,5 lần (164%) so với cùng kỳ năm trước nhờ kết quả kinh doanh tích cực của TCBS; thu từ thư tín dụng (LC), tiền mặt và thanh toán đạt 1.160 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập từ phí của Techcombank đạt gần 2.800 tỷ đồng, tăng 28,3% so với cùng kỳ.
Với những kết quả kinh doanh đã đạt được trong 4 quý gần nhất, Techcombank đang băng mình về đích khi trở thành một ví dụ thành công “tiên phong và không thể bắt chước” trong ngành ngân hàng Việt. Đặt mục tiêu “tăng trưởng 20-25% để tránh đánh đổi chất lượng tài sản lấy tăng trưởng nóng”, mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD, thu nhập từ phí chiếm 30% tổng thu nhập hoạt động và ROE 20% được lãnh đạo Techcombank đánh giá là “thực tế”.
“Techcombank đã dẫn đầu về ROE, ROA trong hệ thống ngân hàng. Hiện chúng tôi đang hướng tới ngân hàng xứng tầm đẳng cấp châu lục, có sự phát triển bền vững, vừa sinh lời, vừa đảm bảo an toàn vốn cao và chúng tôi vẫn đang hiện thực hóa mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD”, CEO Techcombank khẳng định trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/4-tru-cot-chinh-trong-ke-hoach-tang-truong-cua-techcombank-20240507141101482.htm