Sáng 1/6, trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, nhiều ĐBQH bày tỏ sự lo lắng khi người lao động bị nợ đóng bảo hiểm xã hội và tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần ồ ạt sẽ dẫn đến hệ lụy sau này.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu thực tế, hiện cả nước có khoảng 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Hàng trăm nghìn lao động này mỗi tháng đều bị trừ lương để đóng vào quỹ bảo hiểm nhưng không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi bởi các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng theo quy định.
Thời gian gần đây, lượng người lao động thất nghiệp do công ty thiếu đơn hàng tăng nhanh; các lao động này có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không chốt được sổ bảo hiểm.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có giải pháp trong xử lý doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do lỗi từ các doanh nghiệp gây ra.
Cũng nói về bảo hiểm xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị Chính phủ sớm quan tâm vấn đề thời gian rút bảo hiểm xã hội của công nhân, sớm hơn thời gian quy định.
Quy định hiện tại sau 12 tháng nghỉ việc thì lao động mới được rút, thời gian như vậy là dài khiến lao động gặp rất nhiều khó khăn để nhận bảo hiểm xã hội một lần. Cử tri và công nhân, lao động đề nghị rút thời gian ngắn lại từ 3-6 tháng.
Bà đề xuất Chính phủ cần có thêm chính sách hỗ trợ công nhân lao động bị giãn việc, mất việc như là chính sách hỗ trợ thuê nhà trọ hoặc là hỗ trợ điện, nước, chuyển đổi nghề,… trong lúc người lao động bị mất việc.
Trước đó, chiều 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cũng nêu thực trạng về số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới chính sách xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội, nhưng theo số liệu báo cáo từ năm 2021 đến nay, khoảng 4 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đại biểu, “điều này có thể giải quyết những khó khăn trước mắt cho người rút bảo hiểm xã hội nhưng là điều lo lắng, bởi 15-20 năm hoặc lâu hơn nữa thì những người này sống bằng gì”.
Ông đề nghị cần nghiên cứu làm thế nào để tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) cho rằng, với đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và giải quyết được gốc vấn đề. Nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp trên thế giới.
Ngoài tăng lương, cần có những giải pháp căn cơ như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng năng suất lao động, cung cấp nhà ở bằng chính sách nhà ở xã hội, con được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ.
Đại biểu Trúc Anh cho biết, giải pháp trên được hầu hết các nước áp dụng; đây cũng là chính sách thu hút nhân lực vào khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao và tăng lương khó có thể gánh vác hết.
Mặt khác, đại biểu lưu ý cần phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động: “Năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân. Chúng ta chưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ. Nghị định, thông tư, luật định chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng, lúc sai, cho nên không hiệu quả, năng suất thấp”.
Ông bày tỏ suy nghĩ Chính phủ khó đưa ra được hành lang pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì “công chức thì làm theo các quy định, không nên sáng tạo ngoài quy định”.