Có hàng trăm loại virus gây cảm lạnh khác nhau. Tất cả đều gây ra các triệu chứng giống nhau như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, hắt hơi, nhức đầu nhẹ, sốt nhẹ… Trong đó, một số loại virus có thể gây ra các triệu chứng nặng.
Virus cảm lạnh đặc biệt dễ phát triển và lây lan vào thời điểm giao mùa trong năm. Bệnh thường chỉ kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Thế nhưng, trong một số trường hợp, chẳng hạn như trẻ em, người già hay người có hệ miễn dịch yếu, thì bệnh có thể kéo dài, thậm chí tiến triển nặng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Dù có hơn 200 loại virus gây bệnh nhưng hầu hết các trường hợp bị cảm lạnh do 4 loại virus gây ra.
Rhinovirus
Các nghiên cứu cho thấy loại cảm lạnh do virus rhinovirus gây ra chiếm khoảng 50% tổng số ca cảm lạnh trên thế giới. Rhinovirus phát triển và lây lan mạnh vào đầu mùa thu, mùa xuân ở các trường học, văn phòng.
Người bệnh thường bị các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, rhinovirus có thể gây viêm tai, viêm xoang và các vấn đề hô hấp khác, đặc biệt là người bị hen suyễn.
Virus corona
Khoảng 15% số ca cảm lạnh là do virus corona gây ra. Loại virus này thường lây lan mạnh vào mùa đông. Cảm lạnh do loại virus corona có thể dẫn đến các vấn đề đe dọa tính mạng, chẳng hạn như viêm phổi, nhất là người có hệ miễn dịch yếu. Trong trường hợp này, người bệnh cần phải nhập viện điều trị.
Enterovirus
Enterovirus là một nhóm gồm hơn 300 loại virus khác nhau, trong đó có coxsackievirus, echovirus và poliovirus. Nhiều loại virus trong nhóm này có thể gây cảm lạnh và các vấn đề hô hấp khác. Trong khi đó, một số khác lại là nguyên nhân gây viêm màng não hay các bệnh liên quan đến tay, chân và miệng.
Adenovirus
Adenovirus gây ra các triệu chứng cảm lạnh kéo dài hơn so với rhinovirus. Nhiều trường hợp nhiễm adenovirus có thể phải kéo dài vài tuần, thậm chí cả tháng mới khỏi. Loại virus này phát triển và lây bệnh quanh năm, phổ biến hơn vào đầu mùa đông và mùa xuân. Các nghiên cứu cho thấy adenovirus dễ lây lan ở nhà trẻ, bệnh viện và trường học.
Dù không thể hoàn toàn ngăn ngừa cảm lạnh nhưng một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Đó là tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh, tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng nếu chưa rửa sạch, đồng thời khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào. Ngoài ra, thường xuyên bổ sung vitamin D và kẽm sẽ giúp tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm bệnh, theo Healthline.
Nguồn: https://thanhnien.vn/4-loai-cam-lanh-khong-duoc-chu-quan-vi-co-the-tien-trien-nang-185241109132253674.htm