Từ năm 2017, thành phố Đà Nẵng triển khai thí điểm mở dữ liệu của cơ quan nhà nước và cung cấp dữ liệu dưới dạng dịch vụ trên Cổng dữ liệu mở để tạo ra giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng để tạo ra sản phẩm công nghệ số mới. Có thể kể đến việc sử dụng dữ liệu điểm tập kết thùng rác tạm để làm ứng dụng thông minh về môi trường; dữ liệu các cơ sở được cấp Giấy chứng nhận An toàn thực phẩm để xây dựng ứng dụng tra cứu cơ sở An toàn thực phẩm; dữ liệu về các bệnh viện, trung tâm y tế để xây dựng ứng dụng về quản lý xe cứu thương…
Ngoài ra, có hơn 10 cơ quan, địa phương các tỉnh, thành phố khác đăng ký sử dụng Cổng dữ liệu mở Đà Nẵng để đăng tải dữ liệu và sử dụng các dịch vụ tra cứu dữ liệu, phục vụ nhu cầu khai thác, tra cứu dữ liệu cho người dùng riêng của mình.
Đặc biệt, từ ngày 1/01/2023, Đà Nẵng đã thu phí sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn TP. Đà Nẵng đối với các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn; phục vụ cho hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch. Với quy định này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách.
Thành phố vẫn đang tiếp tục mở rộng Kho dữ liệu dùng chung để có khả năng thu thập, xử lý các dữ liệu phi/bán cấu trúc (dữ liệu camera, IoT, cảm biến, mạng xã hội,…) để chia sẻ cho các ngành, địa phương sử dụng trong chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt cung cấp, chia sẻ các dữ liệu cho Cổng dữ liệu mở để để người dân, doanh nghiệp tái sử dụng, hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm, ứng dụng mới.
Tuy nhiên, để phát triển, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng của dữ liệu số, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng đưa ra 4 đề xuất.
Thứ nhất, đặc tả dữ liệu đối tượng quản lý trong các ngành, lĩnh vực. Việc xây dựng, đặc tả cơ sở dữ liệu của bộ, ngành địa phương cần tiếp cận theo hướng từ trên xuống (Top – Down), trong đó mỗi bộ, ngành cần ban hành Danh mục đặc tả về đối tượng quản lý, phân lớp quản lý của từng ngành để làm khung chung cho địa phương áp dụng.
Từ đó xây dựng Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành của địa phương. Hiện nay nhiều bộ, ngành chưa xây dựng, ban hành Danh mục đặc tả này khiến cho các địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai xây dựng Danh mục của địa phương.
Thứ hai, chia sẻ dữ liệu số từ cơ quan Trung ương. Hiện nay, các cơ quan Trung ương như Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… chưa thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các địa phương do vướng các quy định pháp luật chuyên ngành trái với quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Thứ ba, cung cấp, chia sẻ dữ liệu mở. Ông Nguyễn Quang Thanh đề xuất các địa phương cần làm rõ các mức Đóng, Chia sẻ và Mở, cơ quan nào quyết định. Cùng với đó là quy trình tuân thủ Chủ thể dữ liệu hay cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân theo NĐ số 13/2023/NĐ-CP.
Thứ tư, hệ thống phân ngành kinh tế quốc gia. Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (ban hành tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng) hiện nay chưa thống kê đầy đủ phạm vi hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông – Kinh tế số ICT nói riêng và chưa xây dựng một cách tường minh các lĩnh vực hoạt động của Kinh tế số nói chung; dẫn đến thống kê doanh thu ngành ICT cũng như Kinh tế số chưa đầy đủ, do đó khó khăn trong công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách phát triển ngành.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng đề xuất Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu, cập nhật mã ngành Thông tin và Truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, tạo thuận lợi định hướng phát triển ngành phù hợp với nội hàm của Kinh tế số phục vụ cho quản lý, thống kê.
Bảo Anh