Thức ăn và thức uống sau khi tiêu hóa sẽ được hấp thụ từ ruột vào máu. Khi đó, lượng đường glucose trong máu sẽ tăng lên. Hoóc môn insulin do tuyến tụy tiết ra có tác dụng đưa đường glucose từ máu vào tế bào để cung cấp năng lượng cho tế bào. Lượng đường trong máu khi đó sẽ được kiểm soát ở mức khỏe mạnh, theo chuyên trang sức khỏe Health Shots (Ấn Độ).
Với người mắc tiểu đường, họ sẽ trải qua những đợt đường huyết tăng cao đột ngột và giảm đột ngột. Tình trạng đường huyết giảm xuống dưới mức 70 mg/dL được gọi là hạ đường huyết. Nếu đường huyết tiếp tục giảm xuống dưới 54 mg/dL thì cần phải được cấp cứu ngay lập tức. Đường huyết xuống quá thấp sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt đường glucose và gây ra một số rối loạn.
Người bị tiểu đường dễ bị hạ đường huyết vào buổi sáng. Điều này thường xảy ra do họ ăn tối quá sớm hoặc chọn món không phù hợp để ăn trước khi ngủ. Các dấu hiệu hạ đường huyết thường gặp vào buổi sáng gồm:
Tim đập nhanh
Tim đập nhanh là một trong những triệu chứng đặc trưng của hạ đường huyết. Não cần đường glucose liên tục để hoạt động. Khi đường huyết trong máu giảm, tim sẽ đập nhanh hơn để cung cấp máu nhiều hơn. Đây là phản ứng để bù đắp tình trạng thiếu hụt glucose trong máu.
Run
Run cũng là triệu chứng nổi bật khi hạ đường huyết. Cơ thể sẽ cảm thấy yếu sức, chân tay bủn rủn và vã mồ hôi.
Hồi hộp
Cảm giác hồi hộp thường xảy ra do lo lắng hay căng thẳng vì điều gì đó. Trong khi đó, hạ đường huyết sẽ gây hồi hộp mà không vì nguyên nhân nào.
Triệu chứng này xảy ra là do đường huyết xuống thấp, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng tiết hoóc môn adrenaline. Loại hoóc môn này có tác dụng tăng tạm thời đường huyết trong máu. Không những vậy, adrenaline cũng kích hoạt phản ứng căng thẳng và gây hồi hộp.
Đau đầu
Khi đường huyết hạ xuống quá thấp sẽ gây cảm giác đau đầu âm ỉ, đặc biệt là ở thái dương. Cơn đau này thường kèm theo mờ mắt, mệt mỏi, khó tập trung và tim đập nhanh, theo Health Shots.