Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều ở gan. Bệnh thường diễn ra âm thầm nên rất khó nhận biết, chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, siêu âm tổng quát.
Nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ có thể là chế độ ăn uống không hợp lý, căng thẳng, béo phì hay lối sống sinh hoạt không khoa học. Trước đây, nhiều người nghĩ rằng gan nhiễm mỡ vô hại. Tuy nhiên đây là một trạng thái bệnh lý tiến triển lâu dài, trên 10 năm và khoảng 20% trường hợp chuyển thành thành tổn thương không hồi phục như xơ gan, ung thư gan.
4 cấp độ của gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ cấp độ 1
Triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh gan nhiễm mỡ thường lành, không rõ ràng, chủ yếu phát hiện qua thăm khám. Tỉ lệ mỡ chiếm 5 – 10% trọng lượng gan, không gây viêm nhưng bệnh cứ tiến triển âm thầm khiến lượng mỡ tích trụ trong gan ngày càng nhiều hơn, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị đúng cách, gan có thể phục hồi chức năng và khỏe mạnh trở lại.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 2
Tỉ lệ mỡ chiếm trên 10-25% trọng lượng gan, có viêm (AST, ALT tăng cao). Mỡ đã lan rộng ra các mô gan, cơ hoành, làm giảm các đường bờ của các tĩnh mạch trong gan. Nhưng đây vẫn được xem là giai đoạn đầu của bệnh, vẫn chưa gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng có thể nhanh chóng chuyển sang cấp độ 3 nếu không điều trị.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 3
Tỉ lệ mỡ chiếm trên 25 – 30% trọng lượng gan, có viêm (AST, ALT tăng cao). Các mô mỡ làm trì trệ chức năng thải độc, chuyển hóa của gan khiến bệnh rất khó điều trị và phục hồi.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 4
Là giai đoạn cuối của bệnh, tình trạng tích tụ mỡ trên 30% trọng lượng gan, nhu mô gan bị tổn thương, xơ hóa không hồi phục. Đây là những nguyên nhân dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ cấp độ 4 dễ phát hiện hơn vì đã có một số biểu hiện lâm sàng như: buồn nôn, vàng da, ăn uống không tiêu, đau bụng… Để phục hồi các tổn thương ở tế bào gan cần có thời gian và cách chữa trị phù hợp.
5 dấu hiệu bệnh gan nhiễm mỡ, cần được khám sớm
Gan nhiễm mỡ gây mệt mỏi
Mệt mỏi là một triệu chứng có thể liên quan đến một loạt các bệnh lý. Bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu người, tập trung kém, mất năng lượng và suy giảm nhận thức trong bệnh gan nhiễm mỡ. Điều quan trọng là chú ý đến các triệu chứng khác đi kèm với sự mệt mỏi để phát hiện sớm bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ gây béo phì
Béo phì là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh gan nhiễm mỡ, nghiên cứu cho thấy béo phì làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ lên đến 75%. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn là cách tốt để giảm thừa cân hoặc béo phì, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Làm thay đổi màu nước tiểu
Như thường lệ, nước tiểu có màu vàng nhạt, nhưng màu nước tiểu ở những người có vấn đề về gan lại có màu tối bất thường, mặc dù đã uống đủ nước hàng ngày.
Mức cholesterol máu cao
Mức cholesterol cao cho thấy nguy cơ cao về bệnh tim, nhưng cũng là một dấu hiệu của gan nhiễm mỡ. Điều quan trọng là bạn nên cắt giảm các thực phẩm giàu cholesterol khỏi chế độ ăn hàng ngày.
Gây bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Có thể rất khó khăn cho bệnh nhân đái tháo đường để nhận ra các triệu chứng liên quan đến bệnh gan, do đó siêu âm gan là cần thiết để giúp chẩn đoán đúng.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/4-cap-do-cua-benh-gan-nhiem-mo-ai-khong-co-xin-chuc-mung-172240508114320029.htm