Các cơn sốt nhẹ thường sẽ khỏi trong vòng 24 đến 48 giờ. Những cơn sốt kéo dài, dù chỉ là sốt nhẹ, cũng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi. Không những vậy, cơn sốt dai dẳng này còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiềm ẩn.
Sốt nhẹ là tình trạng mà thân nhiệt tăng trên 37 độ C, chưa qua 38 độ C và kéo dài hơn 24 tiếng. Sốt dai dẳng là tình trạng mà cơn sốt kéo dài hơn 10 ngày. Do đó, nếu sốt sau 24 giờ không khỏi thì cần dùng thuốc, theo trang tin The Health Site.
Sốt dai dẳng có thể là dấu hiệu của những bệnh sau:
Nhiễm trùng đường hô hấp
Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp là cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amiđan, viêm xoang, viêm phế quản và viêm phổi. Trong đó, cảm lạnh và cảm cúm là rất phổ biến. Tác nhân gây bệnh là do virus. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng thân nhiệt để tiêu diệt virus và các vi sinh vật gây bệnh khác.
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường hô hấp là chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng, hắt hơi, ho và mệt mỏi.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây sốt dai dẳng
Sốt dai dẳng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là bệnh do vi khuẩn gây ra. Ngoài sốt, người bệnh sẽ còn có các triệu chứng như đau rát khi tiểu, đi tiểu thường xuyên và nước tiểu sẫm màu.
Căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có thể gây sốt dai dẳng. Tình trạng này gọi là sốt tâm lý, thường gặp ở trẻ nhỏ và những người bị đau cơ xơ hay mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS).
Các loại thuốc giảm sốt phổ biến như paracetamol không có tác dụng hạ sốt do căng thẳng. Thay vào đó, người bệnh cần uống một số loại thuốc có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu.
Bệnh lao
Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Loại vi khuẩn này có thể tồn tại ở trạng thái không hoạt động trong cơ thể trong nhiều năm. Khi hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn sẽ bắt đầu tấn công cơ thể, gây ra các triệu chứng như ho, mệt mỏi không rõ nguyên nhất, sốt dai dẳng và đổ mồ hôi ban đêm.
Nếu bị sốt dai dẳng thì người bệnh nên đến bác sĩ khám để được kiểm tra, điều trị đúng cách. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, người chăm sóc không được tự ý cho trẻ uống thuốc mà phải tham khảo ý kiến bác sĩ, theo The Health Site.
Nguồn: https://thanhnien.vn/4-can-benh-co-dau-hieu-sot-dai-dang-khong-duoc-chu-quan-18524122700274199.htm