Bước 1: Nhìn vào bức tranh tổng thể
Các chuyên gia khuyên bạn nên đặt công việc làm nội thất cho căn hộ trong bức tranh tài chính chung. Như vậy, bạn sẽ cân đối được khoản tiền phù hợp cần chi tiêu nhưng không quá tiết kiệm, dẫn tới sai lầm trong thiết kế. Hãy tự đặt ra cho mình các câu hỏi như: Bạn có đang cố gắng trả hết nợ không? Bạn có dự định tiết kiệm cho việc nghỉ hưu sớm hay gia tăng tiền tiết kiệm của mình không? Mục tiêu tài chính dài hạn của bạn là gì?
Bạn cần suy nghĩ kỹ về cách chi tiêu và tiết kiệm cũng như các ưu tiên tài chính cho hiện tại và tương lai. Không đáng để mạo hiểm sức khỏe tài chính tổng thể hoặc các mục tiêu tương lai đầu tư quá cầu kỳ cho nhà cửa. Bạn có thể lập ngân sách cho làm nội thất tương tự cách bạn dành cho một kỳ nghỉ hoặc một mục tiêu ngắn hạn nào đó.
Bước 2: Đưa ra mức ngân sách tối đa
Sau khi đã đặt việc làm nội thất trong bức tranh tổng thể, bạn cần ước lượng tương đối về ngân sách để thực hiện. Kimberly Palmer – chuyên gia tài chính cá nhân tại NerdWallet – gợi ý mức chi tiêu cho nội thất phân loại thuộc nhóm chi tiêu nào theo phân bổ hàng tháng hoặc hàng năm. Chuyên gia này đưa ra cách tiếp cận phổ biến là quy tắc ngân sách 50/30/20, tức là bạn có thể dành 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu, 30% cho các sở thích và 20% cho tiết kiệm.
Ngân sách trang trí căn hộ sẽ nằm trong nhóm mong muốn, sở thích. Điều này có nghĩa là bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chi quá nhiều cho làm nội thất. Công thức này cung cấp cho bạn một mức trần ngân sách, nhưng sau đó bạn cần tính toán tiếp để phù hợp với bức tranh chung. Ví dụ, nếu bạn cũng muốn dành tiền cho một chuyến du lịch nước ngoài thì buộc phải giảm chi tiêu cho nội thất hoặc ngược lại.
Bước 3: Lên kế hoạch chi tiết
Làm nội thất hay trang trí lại căn hộ sẽ khiến bạn mất thời gian cũng như tiền bạc. Thậm chí, điều này còn làm buộc bạn phải lùi lại thời gian trả nợ hay đầu tư. Nhiều người mắc phải sai lầm không lên kế hoạch chi tiết cũng như thời gian dự tính từ đó ảnh hưởng đến nhiều công việc khác trong cuộc sống.
Chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng, ngoài việc lên con số ngân sách bạn còn cần lên kế hoạch chi tiết về thời gian, khối lượng công việc cần thực hiện. Bởi thời gian cũng chính là tiền bạc. Bạn càng lãng phí thời gian thì càng mất cơ hội để tạo ra thu nhập trong tương lai.
Đối với một số người, thời gian vô cùng quan trọng với họ thì nên cân nhắc thêm những khoản chi phí có thể bỏ ra ví dụ thuê người giám sát, vận hành công việc làm nội thất. Những khoản này cũng cần được tính toán vào ngân sách bỏ ra.
Bước 4: Xác định thứ tự ưu tiên
Sau khi bạn đã có cái nhìn tổng quan và tính toán được tương đối về ngân sách, hãy quyết định xem bạn muốn chi tiêu số tiền mình vất vả kiếm được vào việc gì trước. Cách hợp lý nhất là lập ngân sách theo thứ tự ưu tiên về công năng sử dụng. Những vật dụng được sử dụng hàng ngày như giường, tủ quần áo, ghế sofa, bàn ăn sẽ được xếp đầu danh sách.
Ví dụ bạn nên ưu tiên mua giường, nệm bởi đây là những vật dụng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần. Nếu tính thẩm mỹ cũng quan trọng đối với bạn thì sau đó có thể cân nhắc thêm một tấm thảm trải phòng ngủ hay một chiếc đèn ngủ ấn tượng.
Một lưu ý khác là bạn không cần phải đầu tư những món quá đắt tiền mà nên chọn những vật dụng phù hợp cho không gian của mình. Một cách khác để tiết giảm ngân sách là tận dụng những đồ nội thất được bạn bè, người thân chia sẻ phù hợp với phong cách mình đang theo đuổi.
Việc lập danh sách ưu tiên thậm chí còn giúp bạn phát hiện ra mình không cần một món đồ nào đó như vẫn nghĩ. Ví dụ bạn có thể không cần đầu tư một chiếc bàn làm việc vì vẫn hài lòng khi làm việc tại bàn bếp.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/4-buoc-khon-ngoan-giup-xac-dinh-ngan-sach-lam-noi-that-phu-hop-20241007101628783.htm