Sáng 28/9, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai khai mạc tại Nhà Quốc hội, với sự tham gia của 306 đại biểu là các em đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh cho biết trong 1,5 ngày làm việc, từ sáng 28/9 đến hết sáng 29/9, “Quốc hội trẻ em” phiên họp thứ hai sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo của Chính phủ về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện công tác “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”; đề ra những phương hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của “cử tri trẻ em” và nhân dân gửi đến phiên họp thứ hai của “Quốc hội trẻ em”; xem xét báo cáo về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của “cử tri trẻ em” gửi đến phiên họp thứ nhất.
Bên cạnh đó, “Quốc hội trẻ em” sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
“Quốc hội trẻ em” cũng sẽ xem xét dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai – năm 2024.
“Trong thời gian ngắn, “Quốc hội trẻ em” xem xét nhiều nội dung quan trọng với khối lượng công việc của phiên họp “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai là tương đối lớn”, Chủ tịch Lê Gia Vinh chia sẻ.
Để phiên họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trẻ em”, Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh chia sẻ đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cũng như sự mong đợi của “cử tri trẻ em” và nhân dân cả nước.
Trong phiên họp chiều 28/9, “Quốc hội trẻ em” sẽ thảo luận tại 12 tổ với 2 chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/306-tre-em-hoa-than-thanh-dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-ve-bao-luc-hoc-duong-20240928132149700.htm