Phát huy những kết quả và thành công từ phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I – năm 2023, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II – năm 2024.
Chị Nguyễn Phạm Duy Trang, bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, trưởng ban tổ chức, cho biết năm nay phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” có nhiều điểm mới, đặc biệt về khâu chọn lựa các đại biểu trẻ em cũng như lựa chọn chủ đề.
Hai chủ đề của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm nay gồm “Phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em”, và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường”.
Hai chủ đề này được lựa chọn từ 6 nhóm vấn đề do các trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố gửi về, sau đó được tập hợp, lấy ý kiến sau 2 tháng với 300.000 góp ý.
Theo ban tổ chức, đây cũng là những chủ đề được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ quan tâm cũng như đã, đang theo dõi, bàn luận.
Năm nay, các đại biểu trẻ em được lựa chọn một cách kỹ lưỡng từ việc đề xuất của các tỉnh, thành đoàn và tự ứng cử của các em.
Có rất nhiều em xuất sắc, đã được ban tổ chức trực tiếp phỏng vấn, trong đó nhiều em được lựa chọn làm đại biểu chủ chốt. Nhiều em đã thể hiện rất rõ tố chất lãnh đạo, điều hành và cao hơn nữa là kỹ năng tổng hợp các vấn đề.
Phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí trước phiên họp giả định, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, hy vọng tiếng nói của các em tại phiên họp giả định lần này sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn cho sự tham vấn của trẻ em đối với các vấn đề quyền của trẻ em mà Quốc hội đang quan tâm.
“Đây cũng sẽ là động lực mạnh mẽ hơn để các thành viên Chính phủ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để đẩy mạnh triển khai, giải quyết những lời hứa của các bộ trước Quốc hội trong các phiên giải trình chính thức”, bà Hoa nhấn mạnh.
Là một trong những đại biểu tham dự phiên họp giả định lần này, Thào Mí Phềnh – lớp 9A3, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Chinh, Mèo Vạc, Hà Giang – cho biết vô cùng tự hào khi được tham dự, hy vọng sẽ góp một chút tiếng nói của học sinh đồng bào dân tộc H’Mông nói riêng và học sinh vùng núi nói chung về hai chủ đề trên.
“Hiện nay ở trường, quê em cứ đến mỗi dịp lễ, đám vẫn còn nhiều bạn hút thuốc lá, uống rượu, nhiều bạn chỉ học tới lớp 9 rồi nghỉ học. Em hy vọng khi được tham gia với tư cách đại biểu trẻ em tại phiên họp này, sẽ góp một phần tiếng nói đến với các cô bác lãnh đạo, giúp các thói quen xấu không còn trong môi trường học đường và ai nấy cũng được đi học đầy đủ”, Thào Mí Phềnh chia sẻ.
Trong các hoạt động của phiên họp lần thứ II này sẽ có phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng tòa nhà Quốc hội, tại đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu với 306 “đại biểu”.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” tổ chức nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023-2027”.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây dựng hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Đây cũng là mô hình thúc đẩy sớm sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của trẻ em.
Nguồn: https://tuoitre.vn/306-doi-vien-thieu-nhi-tham-gia-phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em-lan-thu-ii-2024-20240922211140241.htm