Khán thính giả yêu dân ca cổ truyền dân tộc hẳn không còn xa lạ với nhà báo, soạn giả Mai Văn Lạng – người có rất nhiều nỗ lực trong việc giữ mạch nguồn âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện nay.
Gần 30 năm qua, anh đã trực tiếp thực hiện hàng nghìn chương trình dân ca nhạc cổ truyền, soạn lời mới cho hàng trăm bài chèo, quan họ, tuồng, cải lương, hát văn… như: “Nón trắng quê mình”, “Mùa xuân tình mẹ”, “Tình thắm duyên quê”, “Tình xuân xin gửi nơi quê”, “Khúc hát dưới trăng thu”… được khán, thính giả khắp cả nước yêu thích.
Với niềm yêu tha thiết dân ca và nhạc cổ truyền được vun đắp từ những lời ru, lời hát của bà ngoại, Mai Văn Lạng không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu vùng đất, gặp bao nhiêu nghệ nhân để tìm hiểu và lan toả những giá trị tốt đẹp nhất, những tinh hoa của dân tộc đến khán thính giả trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam – kênh phát sóng dân ca lớn nhất cả nước.
Điều đáng tự hào với anh là đi đến đâu cũng được bà con nhân dân yêu quý, coi như người thân trong nhà. Có những nơi xa xôi, hẻo lánh, bà con còn cử người đi xe máy 7-10km đón anh về làng, bản.
Anh nhớ lại chuyến đi về làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, làm chương trình tết về quan họ. Tại đây, anh may mắn được gặp gỡ trò chuyện với nghệ sĩ Phú Hiệp, nghệ sĩ Giang Nam, nghe những bài quan họ cổ thâu đêm. Sau đó anh được giới thiệu sang làng Diềm của tỉnh Bắc Ninh cách đó một con sông, gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm và nghệ sĩ Nguyễn Thị Sang. “Chúng tôi đáng nhẽ chỉ đi trong 1 buổi chiều nhưng đã đi gần 2 ngày, đi mà không muốn về, nghe những nghệ nhân hát quan họ thâu đêm, tôi say sưa hoà tâm hồn vào những lời ca đó”, Mai Văn Lạng chia sẻ.
Và chương trình quan họ cổ đặc biệt đó được phát sóng trong dịp Tết Nguyên đán của Mai Văn Lạng nhận được rất nhiều lời khen tặng của bạn bè, đồng nghiệp, của các nghệ sĩ dân ca trên cả nước cũng như gây ấn tượng sâu đậm với khán thính giả.
Mai Văn Lạng còn chia sẻ về chuyến đi Trường Sa – chuyến đi mà theo anh “cả đời không bao giờ quên, mỗi khi nhắc lại là rưng rưng nước mắt…”.
Anh kể, vào tháng 5/2015, anh có chuyến công tác đến đảo Trường Sa trong 9 ngày. Hai ngày lênh đênh trên biển, mong mỏi từng giây phút để gặp được những chiến sĩ dũng cảm đang từng ngày gìn giữ biển đảo thiêng liêng của đất nước.
“Đến khi tôi thấy xa xa chấm đảo dần hiện rõ, các chiến sĩ vẫy tay ra đón, trong đó có nhiều lính đảo biết và chào hỏi Mai Văn Lạng. Họ nói vẫn thường xuyên nghe chèo dân ca trên Đài tiếng nói Việt Nam làm tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào”, nhà báo Mai Văn Lạng bày tỏ.
Xúc động nhất đối với Mai Văn Lạng trong chuyến đi đó, là khi trên đường trở về đất liền, đoàn công tác đến thăm dàn DK1, tuy nhiên sóng to không thể vào được, mặc dù tàu chỉ cách đó 30m. “Chúng tôi gọi bộ đàm trò chuyện với những người lính, các nghệ sĩ trong đoàn hát qua bộ đàm cho chiến sĩ nghe. Tất cả các nghệ sĩ đều khóc vì quá xúc động”, Mai Văn Lạng nhớ lại.
Là người hiểu biết nhiều làn điệu dân ca nên soạn giả Mai Văn Lạng đã vận dụng nhuần nhuyễn để soạn lời mới cho phù hợp với đời sống đương đại nhưng không mất đi giá trị của dân ca. Đây là công việc không dễ, như anh nói là “người đi trên dây”, vì ranh giới giữa làm mới và làm hỏng dân ca rất mong manh.
Trong các loại hình dân ca, anh cảm thấy tự tin và có sự am hiểu nhất là nghệ thuật chèo. Thế nhưng, khi đến các vùng quê, anh luôn cố gắng vận dụng dân ca của vùng đó để truyền tải thông điệp mà người nghe dễ dàng cảm nhận nhất. Gần đây, khi vào thăm quê Bác, anh đã viết bài dân ca xứ Nghệ “Hương sen quê Bác” với lời ca trữ tình, giai điệu mượt mà, đằm thắm. Bài hát đã được nhiều nghệ sĩ trẻ thể hiện tại nhiều sân khấu, và trên các hội diễn.
Soạn giả Mai Văn Lạng cũng là một trong những người đưa nghệ thuật chèo lên mạng xã hội và trang web. Trang “Đến với nghệ thuật chèo” do anh đồng sáng lập trên Facebook thu hút được rất nhiều lượt công chúng theo dõi. Bên cạnh đó, anh còn lập trang YouTube về hát chèo để tiếp cận với khán, thính giả chưa có điều kiện nghe, thưởng thức trực tiếp cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật chèo.
Cũng từ sự phát triển của hội, nhóm về chèo trên Facebook đã giúp anh nảy ra ý định thành lập Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” – sân chơi ý nghĩa này trở thành nơi giao lưu, sáng tạo của những người yêu chèo, đã có rất nhiều người soạn lời mới cho hàng trăm bài hát chèo.
Nói đến điểm mới của Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VIII-năm 2023, Mai Văn Lạng cho biết, gần một nửa số tiết mục được biểu diễn bởi các diễn viên lần đầu tiên lên sân khấu; các trích đoạn đã được nâng cấp, sâu và dài hơi hơn. Có thể thấy số lượng người yêu chèo ngày càng đông đảo. Dịp giao lưu năm nay thu hút gần 1.000 người tham gia là minh chứng.
“Chính những con người tâm huyết này đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh, niềm tin về việc chèo vẫn có sức hấp dẫn trong đời sống nhân dân”, soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ.
Năm 2023 với Mai Văn Lạng là một năm đáng nhớ. Trong năm qua, anh đã thực hiện một tuần một chương trình phát sóng mang tên “Đối thoại dân ca”- đây là chương trình của riêng Mai Văn Lạng trả lời thính giả về dân ca nhạc cổ truyền nhận được phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và sự chờ đón của khán thính giả.
Anh tự hào về công việc của mình, tuy nhiên trong con người Mai Văn Lạng vẫn luôn trăn trở rằng mình “sinh sau đẻ muộn” nên khi đặt chân đến các vùng đất, nhiều nghệ nhân đã quá cao tuổi, nhiều người không nhớ được các bài dân ca của làng quê họ nữa, nhiều người thì đã ra đi khiến anh không khỏi tiếc nuối.
Ở tuổi 50, soạn giả Mai Văn Lạng còn rất nhiều dự định, kế hoạch đến với các vùng miền trên dải đất chữ S. Anh nguyện đem hết tài năng, tâm huyết để vừa viết, vừa làm, vừa sưu tầm và lan toả dân ca cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Hoàng Anh