Nhịn đói hoặc ăn quá ít sẽ đẩy cơ thể vào trạng thái bị bỏ đói và bị thiếu hụt dưỡng chất. Nếu giảm cân là mục tiêu của bạn thì việc bỏ đói cơ thể như vậy có thể cản trở nỗ lực giảm cân, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nếu thường xuyên nhịn đói cơ thể sẽ xảy ra những vấn đề sau:
Mức năng lượng giảm xuống
Một trong những tác động chính của việc không ăn khi đói là giảm mức năng lượng của cơ thể, dẫn đến mệt mỏi, uể oải. Thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì thể chất và tinh thần. Khi bạn nhịn ăn quá lâu, lượng đường trong máu sẽ giảm, tạo ra tình trạng thiếu đường glucose.
Đây là loại đường cần thiết giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể. Glucose đóng vai trò là nguồn nhiên liệu chính cho các chức năng của cơ thể, đặc biệt là hoạt động của cơ bắp và quá trình nhận thức của não bộ. Khi cơ thể bị cạn kiệt lượng glucose dự trữ thì lập tức một phản ứng nội tiết sẽ được kích hoạt.
Các hoóc môn gây căng thẳng như cortisol, adrenaline được giải phóng để huy động glucose dự trữ trong cơ thể, sau đó là huy động chất béo để bù đắp cho việc thiếu hụt dinh dưỡng.
Quá trình trao đổi chất chậm lại
Bỏ bữa có vẻ là một cách hiệu quả để giảm cân nhanh chóng. Nhưng thực tế, nghiên cứu cho thấy nó thật sự có thể cản trở quá trình giảm cân. Nguyên nhân là do nhịn ăn đã tác động tiêu cực đến quá trình trao đổi chất.
Quá trình trao đổi chất chịu trách nhiệm hấp thụ thức ăn và chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Quá trình này liên xảy ra liên tục. Ngay cả khi đang nghỉ ngơi, cơ thể vẫn đốt calo ở một tốc độ nhất định. Hiện tượng này gọi là tốc độ trao đổi chất cơ bản.
Nhịn ăn thường xuyên sẽ kích hoạt phản ứng sinh lý khiến cơ thể ưu tiên dành lượng calo ít ỏi để cung cấp cho não và các cơ quan quan trọng, đồng thời giảm lượng calo cung cấp cho các hoạt động không quan trọng khác. Sự thay đổi này giúp bảo tồn năng lượng nhằm mục đích sinh tồn, từ đó khiến quá trình trao đổi chất chậm lại. Trao đổi chất chậm lại đồng nghĩa với việc cơ thể đốt ít calo hơn và khó giảm cân hơn.
Gây vấn đề tiêu hóa
Dạ dày sẽ đều đặn tiết ra a xít và emzyme để tiêu hóa thức ăn. Nếu không có thức ăn để tiêu hóa thì những dịch tiêu hóa này sẽ dư thừa và gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến ợ nóng và trào ngược.
Môi trường a xít này cũng có thể phá vỡ sự công bằng của vi khuẩn đường ruột gọi là hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này có thể gây đầy hơi, chướng bụng và táo bón cùng nhiều vấn đề tiêu hóa khác.
Hậu quả của việc bỏ bữa không chỉ là tạm thời. Nếu thường xuyên bỏ bữa thì có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như sỏi mật, loét dạ dày, thậm chí là tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, theo Healthline.