Ngày 30/3, Quân đội Israel (IDF) cho biết, 3 nhân vật cấp cao của Hamas đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh trực diện với binh sĩ IDF tại bệnh viện Shifa ở Gaza trước đó cùng ngày.
Người dân Palestine tìm chỗ ẩn nấp sau vụ ném bom của Israel vào trung tâm thành phố Gaza, ngày 18/3. (Nguồn: Getty) |
Trong số những người thiệt mạng có cả lãnh đạo cấp cao của Hamas là Ra’ad Thabat và Mahmoud Khalil Ziqzouq. Hiện tại, Lực lượng Israel từ Lữ đoàn 401 và Shayetet 13 vẫn tiếp tục hoạt động trong khu vực bệnh viện Shifa để tìm kiếm các thành viên của Hamas.
Lực lượng Israel cũng tìm thấy nhiều vũ khí, bao gồm súng bắn tỉa, súng trường Kalashnikov, đạn và lựu đạn tại bệnh viện Shifa. Trong vài ngày qua, lực lượng này đã chạm trán với các thành viên Hamas bên ngoài tòa nhà bệnh viện.
IDF và Cơ quan An ninh Israel (Shin Bet) nhấn mạnh sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch trong khu vực bệnh viện, đồng thời tránh làm tổn hại đến dân thường, bệnh nhân, đội ngũ và thiết bị y tế.
Cùng ngày 30/3, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và hai người đồng cấp Stéphane Séjourné (Pháp), Ayman Safadi (Jordan) đã thảo luận tại Cairo về các biện pháp chung nhằm đạt được “lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài” ở Dải Gaza, cũng như việc thả tất cả con tin do các nhóm Palestine bắt giữ.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Séjourné nói rằng, chính phủ Pháp sẽ trình một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Gaza.
Ông tiết lộ dự thảo này sẽ bao gồm “tất cả các tiêu chí cho giải pháp hai nhà nước” trong cuộc xung đột Israel-Palestine, kế hoạch hòa bình được cộng đồng quốc tế ủng hộ từ lâu nhưng bị chính phủ Israel của Thủ tướng Benjamin Netanyahu phản đối.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Ai Cập Shoukry cảnh báo rằng, người dân Dải Gaza “không thể chịu đựng thêm sự tàn phá và đau khổ hơn nữa”, đồng thời kêu gọi Israel mở tất cả các cửa khẩu trên bộ với Dải Gaza để đưa viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ Palestine.
Hiện gần như tất cả viện trợ vào Gaza đều được chuyển qua cửa khẩu biên giới Rafah nối với Ai Cập, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới và LHQ cáo buộc Israel cản trở việc giao hàng viện trợ cho người dân Palestine.
Về phần mình, Ngoại trưởng Jordan Safadi cho rằng “luật pháp quốc tế không còn có bất kỳ tác động nào trên thực tế đối với Israel”, đồng thời nhấn mạnh “thảm họa thực sự là cộng đồng quốc tế không có khả năng ngăn chặn” khủng hoảng nhân đạo.
Đại diện Ai Cập, Pháp và Jordan cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân ở Gaza đang phải đối mặt. Ba bên đều cảnh báo về kế hoạch tấn công trên bộ của Israel vào thành phố Rafah, nằm ở phía Nam Gaza.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi coi chiến dịch tiềm tàng ở Rafah là “thảm họa”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng bất kỳ hành động cưỡng bức di dời dân thường nào khỏi Rafah sẽ cấu thành “tội ác chiến tranh”.
Cuộc họp Ngoại trưởng Ai Cập, Pháp và Jordan diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài 6 tháng qua tại Dải Gaza vẫn tiếp diễn, bất chấp việc HĐBA LHQ vừa thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza trong tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo.
Cũng trong ngày 30/3, một tàu chở hàng viện trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho người dân Palestine ở Dải Gaza đã cập bến cảng El-Arish của Ai Cập.
Đây là chuyến tàu viện trợ nhân đạo thứ 8 của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Dải Gaza, chuyên chở 125.000 gói thực phẩm được gửi từ Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa (AFAD) và các tổ chức từ thiện khác, thông qua tàu Sardes.
Sau khi cập cảng El-Arish ngày 30/3, số hàng này được vận chuyển đến Gaza bằng xe tải qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập nối với vùng lãnh thổ Palestine.
Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 13 máy bay và 8 tàu chở hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza.
Trong diễn biến liên quan, ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) thông báo nước này đã gửi 46.000 khẩu phần lương thực cho người dân ở phía Bắc Gaza. Hai máy bay C-17 của Không quân Mỹ, với sự tham gia của lực lượng đặc biệt hỗ trợ không vận, đã phân phát khẩu phần ăn cho người dân Bắc Gaza vào hôm 29/3.
Cùng ngày, truyền thông quốc tế đưa tin, Washington chấp thuận chuyển số bom và máy bay chiến đấu trị giá hàng tỷ USD cho Israel. Các gói vũ khí mới này bao gồm hơn 1.800 quả bom MK-84 2.000 pound (907 kg) và 50.000 quả bom MK-82 500 pound (227 kg).
Đến nay, Nhà Trắng và Đại sứ quán Israel tại Washington DC vẫn từ chối bình luận về việc này.
Đáng chú ý, quyết định chuyển giao vũ khí quân sự cho Israel của Mỹ được đưa ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yair Lapid tới Washington.
Hiện tại, Mỹ đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì ủng hộ chính phủ Thủ tướng Israel Netanyahu trong cuộc chiến ở Gaza.
Theo các thống kê, các cuộc tấn công của Israel vào Gaza từ tháng 10 năm ngoái đã khiến 32.552 người Palestine thiệt mạng và 74.980 người khác bị thương.