Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh là một trong số nhiều hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo phát triển kinh doanh bền vững.
Sản xuất xanh là sử dụng nguyên liệu xanh, năng lượng, công nghệ ít phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa mạnh dạn và triệt để trong việc theo đuổi sản xuất xanh hướng đến các giá trị bền vững.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, chỉ ra có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.
Một là, đa số doanh nghiệp vẫn chưa nhận ra sự quan trọng của việc chuyển sang sản xuất xanh để phát triển bền vững, chưa sẵn lòng thay đổi.
Ngành gỗ hiện nay vẫn chưa chịu nhiều áp lực từ việc giảm phát thải carbon, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ không tránh khỏi.
“Hai thị trường lớn là EU và Mỹ thời gian tới sẽ kiểm soát đánh giá hàm lượng carbon trong sản phẩm nhập khẩu. Vì thế, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp gỗ cần phải thay đổi cách làm truyền thống theo hướng giảm phát thải, xanh hóa chuỗi cung ứng hiện tại, coi đây là cơ hội để chuyển mình chứ không nên nhìn nhận là thách thức”, ông Bảo nói.
Nguyên nhân thứ 2 được lãnh đạo Cục Lâm nghiệp đề cập tới là chưa có những hướng dẫn cụ thể về công nghệ chế biến lâm sản phát thải khí nhà kính bao nhiêu là xanh, hướng dẫn đo lượng khí nhà kính phát thải.
Thứ 3, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh làm tăng phí sản xuất để chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh, chuyển đổi sang sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, điện xanh; thay đổi quy trình quản lý, vận hành doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.
Nhiều lợi thế nếu đạt sản xuất xanh
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp nhấn mạnh, nếu đạt được mục tiêu sản xuất xanh, các doanh nghiệp chế biến lâm sản sẽ có những lợi thế rõ rệt.
Xu hướng chung hiện nay là người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp chế biến lâm sản đạt mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi cung ứng xanh sẽ tạo được niềm tin, uy tín đối với khách hàng.
Ngoài ra trong thời gian tới, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường EU. Đây là thị trường “khó tính”, đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, do đó sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường trên thế giới.
“Trong thời gian tới, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon được triển khai thực hiện tại các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản. Các sản phẩm đạt được mục tiêu sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính; chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc chuyển đổi sản xuất xanh”, ông Bảo nói.