Các mũi vaccine đầu đời giúp bảo vệ trẻ sớm và hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, tiết kiệm tài chính cho gia đình.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhiều phụ huynh chủ động đưa con đến VNVC tiêm ngừa viêm gan B sớm trong hai tháng gần đây, trong bối cảnh một số đơn vị y tế công lập hết vaccine. Đây là dấu hiệu cho thấy phụ huynh ngày càng có ý thức phòng bệnh cho trẻ từ giai đoạn sơ sinh.
Theo bác sĩ Phong, một số mũi tiêm sẽ không còn hiệu quả nếu tiêm trễ, ví dụ vaccine phòng tiêu chảy cấp do Rota virus nên hoàn thành phác đồ tiêm chủng trước 8 tháng tuổi, chủng ngừa sẽ không còn hiệu quả sau mốc thời gian này. Hoặc vaccine lao BCG hiệu quả tốt nhất khi tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh, ít hoặc không có hiệu quả ở trẻ nhỏ và người lớn.
Khả năng bảo vệ lên đến 95%
Nhờ thành tựu của vaccine, nhiều đại dịch trên thế giới đã bị xóa sổ hoặc giảm số ca mắc rõ rệt như đậu mùa, Covid-19, bại liệt, sởi… Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thống kê trong Báo cáo tóm tắt về tình hình trẻ em thế giới 2023, cho biết tiêm vaccine cứu sống 4,4 triệu người mỗi năm. Trong đó, khoảng 3 triệu trẻ thoát khỏi các bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao. Nếu tỷ lệ tiêm chủng được duy trì, vaccine có thể bảo vệ 5,8 triệu người mỗi năm vào năm 2030.
Theo bác sĩ Phong, trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, là đối tượng dễ bị các bệnh truyền nhiễm tấn công, gặp phải các biến chứng nặng, ví dụ uốn ván rốn sơ sinh có tỷ lệ mắc và tử vong lên đến 80%, từng khiến 500.000 trẻ chết mỗi năm vào cuối thế kỷ 20. Trong khi đó, các bệnh này đã có vaccine, hiệu quả bảo vệ lên đến 95%.
Số trường hợp tử vong do ho gà giảm từ 1,3 triệu ca/năm xuống còn 63.000 ca năm 2013. Sởi được xem là “sát thủ trẻ em”, giảm số ca tử vong từ 2,6 triệu ca/năm xuống 128.000 ca vào năm 2021.
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng năm 2017, khoảng 85-95% trẻ được tiêm chủng đầy đủ, sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không mắc bệnh, tránh được các biến chứng nặng của bệnh.
Tạo điều kiện phát triển toàn diện
Bác sĩ Phong cho biết một số bệnh để lại di chứng vĩnh viễn ở trẻ như viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bại liệt… Nếu không bị mắc bệnh, trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh, tránh được các biến chứng của bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh, vận động và chức năng sinh sản. Từ đó, trẻ học tập, hoạt động thể chất bình thường, có tương lai tươi sáng hơn.
Tiêm vaccine cho trẻ em còn góp phần tạo ra tấm lá chắn miễn dịch vững chắc cho cộng đồng. Khi càng nhiều trẻ được vaccine bảo vệ thì khả năng lây truyền bệnh sẽ giảm đi ở cả trẻ em và người lớn.
“Tiêm vaccine đầy đủ cũng giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh, hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh gây ra kháng thuốc, kéo dài thời gian điều trị nhiều bệnh”, bác sĩ Phong nói.
Tiết kiệm tài chính
Theo bác sĩ Phong, các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine, đều được xếp trong nhóm B, tức là có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Thực tế, khi trẻ không tiêm vaccine và mắc bệnh, sẽ tốn kém nhiều chi phí như: viện phí, ngày công cha mẹ hoặc người thân bỏ ra để chăm sóc con… Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ năm 2011-2012, số giờ lao động mất đi do chăm sóc y tế cho trẻ bị cúm lên đến 73 giờ (tương đương hơn 9 ngày làm việc).
Nhiều trường hợp mắc bệnh nặng hoặc có tính chất nguy hiểm, ví dụ viêm não, số tiền viện phí có thể rất lớn khiến gia đình phải vay mượn để điều trị bệnh cho con. Bệnh cũng có thể để lại di chứng khiến trẻ phụ thuộc vào người chăm sóc.
Theo UNICEF, chi phí đầu tư cho vaccine được xem là một khoảng đầu tư sinh lời. 1 đô la chi cho tiêm chủng giúp sinh lợi tức 26 đô la. Như vậy, thay vì bỏ ra số tiền lớn để điều trị và chăm sóc cho trẻ khi bị ốm, cha mẹ có thể tập trung đầu tư vào tương lai cho con và làm việc để gia đình có tài chính tốt hơn.
Lịch tiêm chủng trong năm đầu đời
Bác sĩ Phong cho biết phụ huynh có thể nắm lịch tiêm cho trẻ theo các mốc giai đoạn như sơ sinh, 6 tuần tuổi, 3 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 9 tháng tuổi, 12 tháng tuổi hoặc đến trung tâm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn.
24 giờ đầu sau sinh, bé cần được tiêm ngay vaccine lao và viêm gan B. Sau đó, bé lần lượt tiêm các vaccine sau: rota virus; 6 trong 1 phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm phổi và viêm màng não do Hib, bại liệt, viêm gan B; phế cầu khuẩn. Nếu tiêm 5 trong 1 thì trẻ cần bổ sung thêm vaccine bại liệt hoặc viêm gan B tùy theo mỗi loại vaccine.
Từ 6 tháng tuổi, bé có thể tiêm phòng cúm (tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng) và vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu. Từ 9 tháng tuổi, trẻ nên tiêm phòng bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella. Từ 12 tháng tuổi, gia đình nên cho trẻ tiêm vaccine có thành phần ngừa viêm gan A.
Bác sĩ Phong khuyến cáo ngoài tiêm chủng cho con, phụ huynh, người chăm sóc cũng cần tiêm chủng để tránh nguy cơ mắc bệnh, lây cho trẻ khi chưa có đầy đủ miễn dịch. Bên cạnh đó, gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như vệ sinh tay thường xuyên; đeo khẩu trang khi đến bệnh viện; hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi; dinh dưỡng và tập luyện thể thao phù hợp để tăng miễn dịch…
Nhật Linh
Vào ngày 28/10, Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình Tư vấn sức khỏe thai, sản số 13 tại VNVC Thủ Đức 2 (TP HCM), nhằm cập nhật các kiến thức mới về các loại vaccine cho trẻ sơ sinh. Chương trình có hai bài giảng gồm: “Những vaccine quan trọng cho trẻ sơ sinh” do BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng TP HCM, Hệ thống tiêm chủng VNVC trình bày và “Dinh dưỡng cho con thông minh từ trong bụng mẹ” do ThS.BS Trần Thị Hồng Loan, Bác sĩ Dinh dưỡng, Hệ thống phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome trình bày.
Chương trình tổ chức miễn phí theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Độc giả quan tâm đăng ký tại đây.