Ngô, đậu tương và lúa mì đều là những loại hạt bình dân và quen thuộc. Hàng năm, nước ta phải chi khoản tiền khủng lên tới vài triệu USD để nhập khẩu các loại hạt này.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 75 ngày đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt đã chi hơn 1,22 tỷ USD để nhập khẩu 4,14 triệu tấn ngô, đậu tương và lúa mì từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cụ thể, tính đến ngày 15/2, nước ta chi ra 602 triệu USD để nhập khẩu gần 2,38 triệu tấn ngô. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng ngô nhập về tăng 23,7% nhưng giá trị lại giảm 6,5% do giá thành mặt hàng này hạ nhiệt.
Tương tự, nhập khẩu đậu tương lên tới trên 440 nghìn tấn, giá trị đạt 247 triệu USD, tăng 11% về lượng nhưng giá trị lại giảm 10,8%.
Nhập khẩu lúa mì lên tới hơn 1,32 triệu tấn, giá trị đạt 370 triệu USD, tăng mạnh 42% về lượng và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng này được nhập về chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bởi, năng lực sản xuất nguyên liệu nội địa phục vụ cho ngành thức ăn chăn nuôi còn hạn chế nên Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng nhập khẩu.
Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.
Theo chuyên gia và các doanh nghiệp, thời điểm đầu năm nay, giá các loại hạt như ngô, đậu tương và lúa mì tương đối rẻ so với cùng kỳ năm trước nên các doanh nghiệp sản xuất mạnh tay gom mua.
Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 9,7 triệu tấn ngô, giá trị lên tới 2,87 tỷ USD, tăng 1,6% về khối lượng nhưng giảm 13,7% về giá trị so với năm 2022. Ngoài ra, nước ta còn nhập 1,86 triệu tấn đậu tương, giá trị 1,17 tỷ USD; lúa mì là 4,68 triệu tấn và giá trị 1,56 tỷ USD.
Nguồn
Bình luận (0)