Thị trường kết thúc phiên giao dịch cuối năm Quý Mão với đà tăng điểm mạnh. VN-Index được kỳ vọng vượt mốc 1.200 điểm ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên của năm con Rồng với nhiều điểm sáng.
Động lực tăng trưởng cho chứng khoán từ đâu?
Thị trường chứng khoán với phiên giao dịch khép lại năm Quý Mão ở mốc 1.198,53 điểm. Kéo theo đó là đà tăng trưởng tích cực.
VN-Index xác lập mức tăng năm 2023 khoảng 12,2% so với năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biên động, kinh tế trong nước chịu nhiều áp lực và chưa hoàn toàn trở lại đà tăng trưởng. Nhìn lại kết quả năm 2023 cho thấy thị trường chứng khoán đã có một năm tăng ở mức khả quan, tốt hơn so với những lo ngại hồi giữa năm.
Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư của công ty Chứng khoán SSI, những yếu tố giúp thị trường có kết quả tăng trưởng như vậy đến từ vùng điểm thấp đầu năm 2023 và sự hồi phục từ kết quả kinh doanh trên một số nhóm ngành quan trọng. Điều này mang nhiều kỳ vọng về việc cải thiện tốc độ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm nay.
Quan sát cho thấy, lượng thanh khoản đang có xu hướng trở lại thị trường, có phiên đạt tới 17.000 tỷ đồng. Trước bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục, không có nhiều kênh đầu tư thay thế, nhiều chuyên gia nhận định, năm 2024, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, tích cực thu hút dòng tiền trong nước.
Chuyên gia Tuấn Hiếu nêu ra 3 “điểm sáng” chính tạo động lực cho thị trường, đó là:
(1) sự hồi phục từ Kết quả kinh doanh của các ngành nghề;
(2) các thông tin vĩ mô, chính sách giúp đẩy mạnh đà phục hồi và tăng trưởng cho thị trường;
(3) phát triển thị trường chứng khoán đang là một mục tiêu quan trọng của Bộ Tài Chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các thành viên.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cùng các công ty con và Tổng công ty Lưu ký bù trừ Chứng khoán Việt Nam tận dụng mọi nỗ lực để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh.
Bao gồm: hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật bảo đảm chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng tới mục tiêu thị trường chứng khoán phát triển bền vững đến năm 2030 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về “điểm sáng” từ các thông tin kinh tế vĩ mô, đồng quan điểm, ông Bùi Thăng Long, chuyên viên tư vấn tại Chứng khoán VPS, cho biết: Quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ từ những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều đã đi đến chặng cuối. Nếu FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) hạ lãi suất vào quý 2/2024 và về mức 4,5% cuối năm 2024, điều này sẽ kích thích các nhà đầu tư tìm kiếm tăng trưởng từ các thị trường khác.
Điểm danh những nhóm ngành tiềm năng cho chứng khoán đầu năm
Từ đầu năm 2024 đến khi kết thúc năm âm lịch Quý Mão, thị trường chứng kiến đà tăng trưởng mạnh từ ngành Ngân hàng. Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng liên tục đóng vai trò làm trụ cho thị trường với loạt tên lớn: TCB (Techcombank), VPB (VPBank), MBB (MBBank)…
Các dự báo cho rằng, dòng tiền ngắn hạn vẫn sẽ hướng về nhóm ngành này trong những phiên đầu năm mới. Đồng thời, tâm lý tích cực từ nhóm Ngân hàng sẽ được lan tỏa, phân bổ sang một số nhóm ngành có vốn hóa trung bình.
Theo ông Thăng Long, tiềm năng ngành ngân hàng đang được hỗ trợ từ các yếu tố: môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng tín dụng, tăng cường xử lý nợ xấu trong 2023, góp phần tăng trưởng lợi nhuận 2024.
Hơn nữa, các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho bất động sản từ Chính phủ sẽ giúp khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, đem lại kết quả tích cực và giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, ngành Bất động sản Khu công nghiệp có thể sẽ là nhóm ngành tiếp theo đón sóng trong thời gian tới.
Năm 2023 đầy thách thức, ngành bất động sản công nghiệp (BĐS CN) vẫn đạt được những kết quả tích cực. Số liệu từ Tổng cục thống kế, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/1/2024 đạt 2,36 tỷ USD, tăng 40.2% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Do vậy, ông Thăng Long khuyến nghị, triển vọng đầu tư cổ phiếu BĐS CN sẽ tập trung vào doanh nghiệp có: Quỹ đất sạch đảm bảo cho thuê trong dài hạn, vị trí thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; tình hình tài chính lành mạnh, vay nợ thấp; định giá hấp dẫn với tỷ lệ cổ tức cao.
Dù được dự báo với nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng đầu tư chứng khoán là một hoạt động đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và tiềm ẩn rủi ro, xác suất điều chỉnh vẫn có thể xuất hiện trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch.