Không có bất kỳ cách điều trị nào có thể trị khỏi cảm lạnh ngay lập tức. Nhưng để giảm các triệu chứng cũng như cảm giác khó chịu thì có nhiều cách và người bệnh có thể áp dụng tại nhà, theo trang thông tin sức khỏe Everyday Health (Mỹ).
Khi tự chăm sóc tại nhà, người bị cảm lạnh nên tránh những cách điều trị sau:
Nạp quá nhiều vitamin C
Vitamin C là chất không thể thiếu trong quá trình điều trị cảm lạnh. Nhờ có vitamin C, hệ miễn dịch sẽ được cung cấp đủ dưỡng chất quan trọng này để hoạt động tối ưu.
Tuy nhiên, nạp quá nhiều vitamin C có thể gây tiêu chảy. Không những vậy, những người đang mắc vấn đề sức khỏe liên quan đến sắt, chẳng hạn như thừa sắt, thì vitamin C sẽ tăng cường khả năng hấp thụ sắt. Trong một số ít trường hợp, điều này có thể gây ngộ độc sắt. Để giảm nguy cơ này, người bệnh nên ưu tiên nạp vitamin C qua chế độ ăn thay vì dùng viên bổ sung.
Nạp quá nhiều kẽm
Kẽm là một trong những dưỡng chất cần thiết cho hệ miễn dịch và quá trình trao đổi chất của cơ thể. Bác sĩ thường khuyên người bị cảm lạnh nên bổ sung kẽm khi bị bệnh để rút ngắn thời gian hồi phục.
Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều kẽm, đặc biệt là khi dùng viên bổ sung, có thể gây ra các tác dụng phụ như nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt và nôn mửa.
Tự ý trộn nhiều loại thuốc
Khi bị cảm lạnh, người bệnh nếu cần uống thuốc thì nên đến bác sĩ khám hoặc mua ở tiệm thuốc. Nên hỏi ý kiến bác sĩ, không nên tự ý uống kết hợp một số loại thuốc với nhau.
Các chuyên gia cảnh báo một số loại thuốc trị cảm có tác dụng kích thích và làm tăng huyết áp, thậm chí gây rối loạn nhịp tim nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách.
Để điều trị cảm tại nhà, người bệnh cần uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối để giảm đau họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý và dùng máy tạo độ ẩm trong nhà.
Nếu các triệu chứng gây khó chịu và cần uống thuốc, người bệnh có thể dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn paracetamol. Uống nước ấm, trà gừng, chanh với mật ong và một số loại trà thảo dược khác có thể giúp giảm nghẹt mũi, Everyday Health.