Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) Nguyễn Thế Minh, đợt thi đua không chỉ cổ vũ động viên cán bộ, kỹ sư, người lao động trên công trường. Hơn thế, đó còn là mệnh lệnh từ trái tim để các chủ thể tập trung sức lực, trí lực đưa dự án về đích sớm ngày nào tốt ngày đó, phục vụ quốc kế dân sinh.
Ông Nguyễn Thế Minh.
Nhiều dự án rút ngắn tiến độ 3 – 6 tháng
Sau 3 năm tăng tốc trên các công trường, đến nay mạng lưới đường bộ cao tốc đã có sự đột phá thế nào, thưa ông?
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT trên tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, thi công “3 ca, 4 kíp”, toàn ngành giao thông đã khắc phục mọi khó khăn, vượt qua các trở ngại để đưa các dự án về đích đúng tiến độ.
Thủ tướng phát động thi đua 14 điểm cầu
Ngày 18/8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, thông điệp của Thủ tướng sẽ lan tỏa tới 13 tỉnh thành – nơi các dự án cao tốc đang căng mình về đích và nơi đang từng ngày xử lý nguồn vật liệu cho công trường.
Tại các điểm cầu ở Tuyên Quang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh thành phố và các sở, ngành liên quan, đại diện ban quản lý dự án, nhà thầu sẽ cùng theo dõi lễ phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra do Thủ tướng phát động.
Tính đến nay, tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước đạt 2.021km. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 858km, bằng hơn 2/3 tổng số kilomet cao tốc đã triển khai trong gần 20 năm trước (khoảng 1.163km).
Để đạt 3.000km cao tốc vào năm 2025, trong hơn một năm còn lại, phải hoàn thành thêm gần 1.000km. Những dự án nào sẽ được đưa về đích để có được con số này, thưa ông?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn cho đầu tư, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Đến nay, đang triển khai thi công khoảng 1.700km, trong đó 1.104km có kế hoạch hoàn thành năm 2025, khoảng 68km hoàn thành năm 2026 nhưng có thể rút ngắn và hoàn thành năm 2025.
Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000km vào 2025, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các địa phương rà soát tình hình triển khai và chia các dự án thành 3 nhóm.
Nhóm 1 gồm 13 dự án với tổng chiều dài hơn 700km, đây là những dự án có các điều kiện thuận lợi về GPMB, nguồn vật liệu, vướng mắc đã cơ bản được tháo gỡ, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025 như: Cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Bãi Vọt đến Vạn Ninh và từ Quảng Ngãi đến Nha Trang; cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Trong đó, 10 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đang thi công vượt tiến độ đã được chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký rút ngắn thời gian thực hiện từ 3 – 6 tháng, hoàn thành vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nhóm thứ 2 là 10 dự án tiến độ đang bám sát kế hoạch đề ra, song còn một số khó khăn liên quan đến GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn cung vật liệu… cần được tháo gỡ trong tháng 8/2024 để hoàn thành trong năm 2025.
Nhóm này có các dự án như: Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau, Hòa Liên – Túy Loan; dự án Vành đai 3 TP.HCM qua Long An và TP.HCM; cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang và một phần cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Nhóm thứ 3 có 4 dự án (chiều dài 60km) còn nhiều khó khăn, các chủ thể phải tập trung giải quyết, nỗ lực vượt bậc mới có thể hoàn thành trong năm 2025. Đó là phần qua tỉnh Đồng Nai của cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và phần còn lại của dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn của các dự án trong nhóm thứ 3?
Nhóm này đang gặp thách thức cả về mặt bằng, vật liệu đắp, rất khó đạt mục tiêu hoàn thành năm 2025 nếu không có sự vào cuộc quyết liệt từ cấp chính quyền địa phương, chủ đầu tư/cơ quan chủ quản, nhà thầu.
Đơn cử, tại khu vực tỉnh Đồng Nai có dự án thành phần thuộc cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Vành đai 3 TP.HCM. Mặc dù, địa phương đã rất nỗ lực nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay mặt bằng mới chỉ đạt khoảng 40%.
Nguồn vật liệu đắp cho các dự án cũng gặp khó. Bộ TN&MT và Bộ GTVT đã phối hợp tháo gỡ, Thủ tướng, Phó thủ tướng cũng đã quan tâm, chỉ đạo giải quyết. Hiện, tỉnh Đồng Nai đang rốt ráo hoàn thành thủ tục cấp mỏ, dự kiến sẽ tháo gỡ trong tháng 8/2024.
Tổ chức thi công khoa học
Để duy trì hiệu quả thi công trên công trường, giải pháp đột phá nào đang được Cục Quản lý đầu tư xây dựng tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện?
Ngay từ đầu, Bộ GTVT đã nhận diện điểm yếu trong triển khai các dự án là công tác phối hợp giữa các cơ quan còn chưa nhịp nhàng, việc tổ chức thực hiện còn chưa tốt.
Thi công cao tốc Bắc – Nam đoạn Vũng Áng – Bùng. Ảnh: Tạ Hải.
Vì vậy, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Thủ tướng trực tiếp làm Trưởng ban để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc, giao nhiệm vụ cho các các bộ, ngành, địa phương.
Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư cử cán bộ có chuyên môn, có kinh nghiệm đồng hành cùng địa phương trong GPMB; xác định khu vực ưu tiên triển khai trước.
Tại khu vực phía Nam, nguồn vật liệu san lấp chủ yếu là cát với tổng nhu cầu khoảng 65 triệu m3. Dù trữ lượng cát sông bảo đảm nhưng chủ yếu tập trung tại một số địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang. Tuy nhiên, thủ tục cấp mỏ còn chậm, số lượng mỏ, công suất khai thác còn hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công.
Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT rà soát trữ lượng cát của các địa phương trong vùng, kế hoạch triển khai và nhu cầu cát của từng dự án để tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát, điều chuyển linh hoạt nguồn cát giữa các dự án.
Chỉ đạo xuyên suốt của Bộ GTVT với chủ đầu tư, nhà thầu là phải xây dựng kế hoạch tổ chức thi công phù hợp với thực tiễn mặt bằng, huy động vật liệu, thời tiết. Phải tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi, làm đâu dứt điểm đó để sớm hoàn thành dự án.
Không vì tiến độ đánh đổi chất lượng
Trong bối cảnh các dự án tăng tốc về đích sớm, vấn đề đảm bảo chất lượng công trình được kiểm soát ra sao, thưa ông?
Dù là rút ngắn tiến độ nhưng các dự án giao thông được triển khai, đưa vào khai thác đều đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc.
Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án rà soát kỹ lưỡng tình hình thực tế triển khai của các dự án, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, huy động bổ sung nhân lực, máy móc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện một số dự án có các điều kiện thuận lợi.
Tại các cuộc họp giao ban, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GTVT đều quán triệt tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng. Trong đó, chủ đầu tư, tư vấn giám sát được yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong mọi khâu; phải luôn xác định chất lượng là yếu tố sống còn.
Cảm ơn ông!
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận:
Tăng tốc thi công khi thông nguồn cát
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài hơn 110km. Sau 19 tháng thi công, dự án đến nay đạt 37% giá trị hợp đồng. Với sự chỉ đạo, quan tâm sát sao từ lãnh đạo Chính phủ, vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT, Bộ TN&MT, đến nay nguồn cát đã cơ bản được giải quyết nên tiến độ đang tăng tốc. Ban phân công hai phó giám đốc trực tiếp giám sát, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.
Ông Lê Quốc Dũng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 7:
Cao tốc Vân Phong – Nha Trang về đích sớm
Việc sớm bàn giao mặt bằng cao tốc Vân Phong – Nha Trang tạo tiền đề quan trọng để dự án tăng tốc trong đợt cao điểm thi đua 500 ngày đêm.
Tiến độ, công tác tổ chức, giải pháp thi công của nhà thầu sẽ được Ban QLDA kiểm soát chặt, đưa dự án cán đích vào tháng 4/2025, sớm 6 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT. Đây là cao tốc đầu tiên trong các dự án thành phần dọc miền Trung về đích sớm nhất trong năm 2025.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh:
Linh hoạt giải pháp kiểm soát tiến độ
Tại dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ, cuối tháng 8/2024, sản lượng đạt khoảng 55 – 56%, bám sát tiến độ điều chỉnh.
Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 8/2024, vẫn còn khoảng 10 đoạn vướng mặt bằng cục bộ, với tổng chiều dài 0,7km. Ban chủ động phối hợp chặt chẽ địa phương để hoàn thành GPMB còn lại trong tháng 8/2024. Đồng thời, linh hoạt các giải pháp để kiểm soát, bù tiến độ trong trường hợp gặp yếu tố bất lợi.
Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85:
Mong sớm giải phóng đất rừng
Trên tuyến cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh, đến nay Bình Định, Phú Yên cơ bản bàn giao 100% mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn hơn 1km chưa thể tiếp cận thi công, do mặt bằng chưa liên tục. Tương tự, tại cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, việc giải phóng đất rừng tự nhiên đầu tuyến đang là rào cản lớn nhất. Hiện, chúng tôi đang chờ cơ quan thẩm quyền xử lý để sớm có mặt bằng thi công.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/3000km-cao-toc-va-menh-lenh-tu-trai-tim-192240816005137911.htm