Chậm vì quy trình, thủ tục nhiều bước, nhiều giai đoạn
Cụ thể, tổng khối lượng thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công trong kỳ là hơn 43.696 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 71,65% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được giao của thành phố. Số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ là 1.930 dự án, trong đó số dự án chuyển tiếp 1.676 dự án; số dự án khởi công mới là 254 dự án.
Trong năm 2023, số dự án chậm tiến độ là là 283 dự án. Các dự án chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu, bố trí vốn không kịp thời, chậm do các nguyên nhân khác…
Theo UBND TP, nhìn chung về quy trình, thủ tục đầu tư công gồm nhiều bước, giai đoạn dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, TP.HCM là TP trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt nên có số lượng dự án đầu tư công lớn.
“Sau khi các dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các chủ đầu tư lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết để thực hiện từng dự án cụ thể, các dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, biến động giá vật liệu, bồi thường GPMB… và một số nguyên nhân khác dẫn đến một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch”- báo cáo nêu rõ.
UBND TP cho biết vẫn còn tình trạng một số đơn vị chủ đầu tư khi lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư còn sơ sài, chưa nghiên cứu kỹ dẫn đến khi trình duyệt theo quy định thì gặp khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện thủ tục, thậm chí có trường hợp phải hủy bỏ.
Rút ngắn 30% thời gian, thủ tục dự án công
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục, trong năm qua UBND TP đã kiến nghị và được HĐND TP chấp thuận giao UBND TP quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách TP. Đồng thời giao vốn bổ sung có mục tiêu cho UBND quận, huyện và TP Thủ Đức để chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công.
UBND TP cũng đã ban hành Thông báo số 357/2023, trong đó chỉ đạo các sở chuyên ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư các dự án đầu tư công ít nhất 30% so với quy định; các thủ tục liên quan công tác bồi thường GPMB phải thực hiện tối đa 30 ngày; các thủ tục đầu tư khác tối đa 10 ngày và UBND TP xem xét, có chỉ đạo tối đa 7 ngày làm việc.
Cùng với đó, thành phố cũng chỉ đạo UBND các thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện; các tổ công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án được giao vốn bồi thường.
Đến nay, các địa phương đã thành lập Hội đồng Thẩm định giá đất và đã thực hiện việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất theo trình tự, thủ tục quy định và thẩm quyền được giao.
Trong năm 2023, mỗi cuối tháng (từ tháng 11-2023 là mỗi tuần), TP đều tổ chức làm việc cụ thể với từng chủ đầu tư, UBND từng quận, huyện và TP Thủ Đức để phân tích, đánh giá tình hình thực hiện, làm rõ tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch đã đề ra.
Nguồn: https://thanhnien.vn/283-du-an-dau-tu-cong-o-tphcm-cham-tien-do-vi-dau-185240506161806039.htm