Trong giai đoạn 2020 – 2024 có 264 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Ngày 24/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống Tham nhũng. Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của TTCP, qua 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), Công tác đấu tranh PCTN tại các bộ, ngành, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong 5 năm qua, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 139.208 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện và xử lý 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.
Tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn. Công chức, viên chức đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng là 235.271 người.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh, đột phá; các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong giai đoạn 2020 – 2024, đã có 2.060.550 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ, tỷ lệ công khai đạt trên 98%; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập. Có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thông qua hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, các Toà án cấp sơ thẩm xác định có 179 vụ án với 602 bị cáo thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản. Toà án đã tuyên tổng số tiền, tài sản tham nhũng phải thu hồi là 4.572 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2020 – 2024 có 264 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, báo cáo cũng cho hay, công tác PCTN vẫn còn có những hạn chế như: Tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với tính chất nghiêm trọng hơn cả về số lượng tài sản tham nhũng và chức vụ, quyền hạn của người có hành vi tham nhũng. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp…
Phát biểu tại hội nghị, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đề nghị thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trong công tác PCTN như: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó, vừa coi trọng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, vừa quyết liệt, nghiêm minh trong đấu tranh PCTN theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng về kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, Tòa án trong công tác PCTN
Phát huy vai trò của xã hội trong công tác PCTN, tiêu cực, gắn phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với công tác PCTN, tiêu cực.
Tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương để tiếp thu, học tập những kinh nghiệm về công tác PCTN theo hướng tiếp tục duy trì quan hệ với các nước, hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; mở rộng quan hệ với các nước triển khai tốt công tác PCTN, gắn với thực hiện có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/264-nguoi-dung-dau-cap-pho-bi-xu-ly-ky-luat-lien-quan-den-tham-nhung-10297108.html