Trong chuyến đi đến New Zealand, tôi chỉ có 24 giờ để làm việc và khám phá vùng đất nổi tiếng – thủ đô Wellington.
Thủ đô đầy gió
Trời chiều, chiếc máy bay chở đoàn chúng tôi rung lắc và chao đảo nhẹ lúc hạ cánh Sân bay quốc tế Wellington. Khi tiếng lốp siết đường băng và máy bay phanh khựng hai lần thì tiếng vỗ tay của hành khách vang lên giòn giã…
Sân bay quốc tế Wellington chỉ có đường băng duy nhất dài 1.936m với hai đầu giáp biển. |
Thấy tôi có vẻ khó hiểu, anh bạn ngồi cạnh giải thích, Wellington còn được gọi là “Windy Wellington”, bởi nơi đây được mệnh danh là “thành phố lộng gió” nhất thế giới. Wellington nằm giữa vĩ độ 40 và 50, ngay eo biển Cook, có những luồng gió Tây đi qua. Những dãy núi quanh đó khiến luồng gió này bị thu hẹp và mạnh hơn.
Tìm hiểu tôi mới biết, trung bình 175-230 ngày mỗi năm, sân bay Wellington có gió trên 75 km/giờ, thậm chí có lúc lên đến 95km/giờ. Gió luôn là vấn đề khiến nhiều chuyến bay của các hãng hàng không dù đã đến gần sân bay Wellington vẫn phải quay đầu đến các điểm gần đó như: Auckland, Rotorua…
Hơn nữa, đường băng duy nhất ở Wellington chỉ dài 1.936m với hai đầu giáp biển lại nằm giữa các rặng núi chịu những trận gió mạnh. Những chiếc máy bay chạm bánh xuống mặt đất rồi chao đảo bay trở lại không trung là hiện tượng xảy ra thường xuyên ở Wellington (bạn có thể tìm kiếm trên youtube để xem).
Xuống máy bay, tôi cảm nhận từng luồng gió lớn phả vào người. Rất may là hôm đó, gió không quá lớn nên tôi không phải gồng người đi ngược gió như miêu tả. Người dân ở đây thậm chí còn yêu thích bởi gió nhiều khiến không khí Wellington luôn trong lành, mát mẻ.
Thành phố hai tên gọi
Người Maori (có gốc gác từ người Polynesia ở Thái Bình Dương) phát hiện và sinh sống ở New Zealand từ thế kỷ thứ X. Sau này, những người châu Âu di cư đã biến người Maori trở thành dân tộc thiểu số (chỉ chiếm 15% dân số). Chính phủ New Zealand đã và đang nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ, các giá trị lịch sử và văn hóa Maori để người Maori song hành với nhiều chủng tộc nhập cư.
Thành phố Auckland trong tiếng Maori là Tamaki Makaurau. |
Vì vậy, tôi cũng như những người lần đầu đến đây đều bất ngờ vì mọi thành phố đều có hai cách gọi: bằng tiếng Anh và theo ngôn ngữ Maori. Với thành phố Auckland là Tamaki Makaurau, Wellington là Te Whanganui-a-Tara… Hơn nữa, các địa danh du lịch, bến cảng, đường phố, cao tốc… đều có tên bằng hai thứ tiếng. Những cổng chào và tượng thần của người Maori cũng xuất hiện ở các địa điểm nổi tiếng tại New Zealand…
Điều may mắn và thú vị với đoàn là anh lái xe buýt chở chúng tôi là người Maori. Không khó để nhận ra người Maori, bởi họ có hình xăm xoay quanh khóe miệng, thậm chí là toàn bộ khuôn mặt. Anh này rất vui tính. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam, anh đã hát tặng chúng tôi bài quốc ca New Zealand bằng tiếng Maori. Chúng tôi cũng vui vẻ hát bài “Tiến quân ca”, tất nhiên là bằng tiếng Việt để tặng lại anh. Chúng tôi hiểu, những người gốc Maori luôn muốn quảng bá văn hóa của họ với niềm tự hào nhưng cũng bởi người New Zealand nói chung biết rằng văn hóa và ngôn ngữ Maori chính là phần độc đáo giúp quốc gia này trở thành độc nhất vô nhị trên thế giới.
Nếu quãng đường từ sân bay về khách sạn không quá ngắn (khoảng 7km) thì có lẽ, anh lái xe hiếu khách đã kịp tặng chúng tôi màn múa chào đón khách quý đến với vùng đất của người Maori.
Chào đón bằng… cọ mũi
Trong chuyến thăm chính thức New Zealand từ ngày 10-11/3 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân vừa qua, cả đoàn đã được người Maori chào đón với nghi lễ rất đặc biệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân được chào đón bằng nghi thức Hongi trong chuyến thăm chính thức New Zealand, từ ngày 10-11/3. |
Người Maori có văn hóa chào hỏi khá độc đáo là “Hongi”, bằng cách cọ mũi vào nhau và kết thúc lời chào bằng cái nắm tay. Hành động này mang ý nghĩa là truyền cho nhau hơi thở của sự sống để giúp xóa bỏ khoảng cách về văn hóa và địa lý. Sau đó, du khách đến New Zealand là “manuhiri” (khách) sẽ trở thành “tangata whenua” (người dân trên đảo).
Một cách chào hỏi khác của người Maori có thể khiến du khách sợ hãi, đó là hành động trợn mắt, lè lưỡi. Kết hợp cùng với hình xăm truyền thống trên mặt người Maori, cách chào hỏi này có thể dọa những người yếu bóng vía. Tuy nhiên, trong văn hóa Maori, đây là cách thể hiện sự thân ái và chào đón các vị khách một cách nồng nhiệt.
Khi bắt đầu nghi lễ, một hoặc một số chiến binh Maori sẽ thận trọng tiến đến khách và thể hiện uy lực của họ. Chiến binh Maori hét lớn, nhăn mặt và thực hiện những cử chỉ mạnh mẽ nhằm thể hiện rằng họ sẵn sàng dùng bạo lực nếu khách có ý định xấu.
Chiến binh Maori tiếp tục đặt một con dao gỗ và cành dương xỉ xuống đất. Người khách cần cúi xuống và nhặt hai vật này lên. Sau đó khách có thể chiêm ngưỡng điệu múa Haka “rực lửa” hoặc một vài loại hình biểu diễn khác. Lễ chào đón kết thúc bằng nghi lễ Hongi nói trên.
Nhiều điểm du lịch hấp dẫn
Chạy đua với thời gian, chúng tôi nhanh chóng tham quan thành phố theo kế hoạch định sẵn.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là tòa nhà hình tổ ong – Tòa Quốc hội New Zealand – mà theo người hướng dẫn thì tòa nhà được thiết kế với phần móng và tường đặc biệt để tránh động đất.
Du khách có thể quan sát 360 độ toàn cảnh thành phố Wellington từ đài quan sát trên đỉnh núi Victoria, trong đó có Sân bay quốc tế Wellington. |
Thật ra tòa nhà Quốc hội gồm liên hợp ba khối kiến trúc thông với nhau.
Thứ nhất là tòa nhà hình tổ ong cao 72 mét có 10 tầng trên mặt đất, 4 tầng ngầm gồm: các văn phòng của Thủ tướng, Bộ trưởng Nội các và Trung tâm Quản lý khủng hoảng quốc gia.
Thứ hai là Tòa nhà Quốc hội được xây lại vào năm 1918 sau khi tòa nhà cổ bị hỏa hoạn – là nơi họp Quốc hội và phòng làm việc. Thứ ba là Thư viện Quốc hội, nơi trưng bày lịch sử của Quốc hội.
Các kiến trúc sư và thợ lành nghề đã xây dựng và phục chế các tòa nhà rất chi tiết từ nguyên liệu đá cẩm thạch, gỗ, gạch, họa tiết, hoa văn, cấu trúc và kiến trúc. Trong đó, đặc biệt là những bức tường với nhiều mảng màu sống động mà bạn phải nhìn nghiêng mới có thể hình dung ra nội dung, những bức tranh gỗ được đẽo và khắc hình ảnh và biểu tượng của người Maori… vô cùng thú vị.
Sau khi đi bộ vài con phố, chúng tôi trải nghiệm ngồi trên chiếc xe cáp treo (Wellington Cable Car) xuất phát từ Bến cảng Lambton đến Vườn bách thảo Botanic. Quãng đường chỉ dài 610m và mất khoảng 8 phút di chuyển, lý do có cáp treo này là những ngọn đồi dốc của Wellington khiến việc đi bộ khá mệt đối với người dân sống phía trên. Vì vậy, chính phủ đã xây dựng tuyến cáp treo giúp người dân di chuyển dễ dàng hơn. Khi kết thúc cáp treo, chúng tôi đang ở độ cao trên 120m so với mực nước biển, có thể phóng tầm mắt nhìn ra thành phố bên dưới.
Tác giả tại Tòa nhà Quốc hội New Zealand. |
Phía trên cùng của ga cáp treo là Vườn bách thảo Wellington – nơi có nhiều loài thực vật bản địa bầu không khí thật trong lành. Đi bộ xuống, thấy ngay Vườn hồng Lady Norwood với khoảng 110 mảnh vườn hoa hồng với nhiều loại hồng như: roseberry (hoa hồng tím), hồng cam, hồng nữ hoàng (queen rose) nở rộ. Hơi tiếc là thời điểm chúng tôi đến, vườn hồng bắt đầu tàn cuối vụ.
Điểm cuối cùng chúng tôi chạy “sô” là Núi Victoria (cao 196 mét). Chỉ mất 20 phút đi xe và 5 phút leo bộ để có thể quan sát 360 độ toàn cảnh thành phố Wellington. Từ điểm cao nhất, có thể ngắm nhìn những chiếc thuyền buồm di chuyển trên bến cảng, những chiếc máy bay cất cánh từ sân bay, trong đó có toàn cảnh đường băng “siêu ngắn”. Tất nhiên, bạn cũng sẽ cảm nhận được gió lớn khi ở trên đỉnh núi.
Theo các phóng viên New Zealand, rất nhiều người dân đã đến đỉnh núi này để quan sát chuyên cơ Boeing 787 chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống sân bay vì họ coi đó là một sự kiện lớn của thành phố. Có lẽ, đạp xe hoặc đi bộ ở núi Victoria để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn sẽ là một trải nghiệm thực sự tuyệt vời. Rất tiếc, chúng tôi không kịp làm điều đó vì thời gian không cho phép.
***
Tôi tiếc vì không kịp khám phá các địa danh du lịch nổi tiếng khác như Nhà hát Circa, Bức tượng Solace In The Wind, Bảo tàng Te Papa… hay sông Hutt, Công viên Harcourt, Công viên Kaitoke, Rừng Waitarere – nơi bộ phim The Lord of the Rings và The Hobbit được thực hiện. Tôi cũng không kịp thưởng thức các món ăn nướng đá Hangi của người Maori, thịt cừu nướng… Có chăng tôi chỉ kịp mua chocolate Whittakers – một trong những nhãn hiệu socola lâu đời ở New Zealand và thầm ước có dịp được quay trở lại vùng đất đầy bất ngờ thú vị này.